Văn hóa, con người - Động lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước

Trong mỗi quá trình phát triển của đất nước đều gắn với những mục tiêu cụ thể, mà để đạt những mục tiêu đó, các nhà hoạch định chính sách - những người “đứng mũi chịu sào” cần phải xác định và tìm ra được động lực cụ thể. Những mục tiêu và động lực đó chính là khẩu hiệu hành động cho mỗi giai đoạn - thời kỳ, đồng thời phải là cơ sở để Đảng, Nhà nước xây dựng và đề ra các chủ trương, chính sách. Quên đi điều đó thì dễ đi chệch hoặc làm chậm sự phát triển tất yếu của lịch sử - điều mà các cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước đã khẳng định.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt. Thế giới thừa nhận nước ta có an ninh xã hội tốt, kinh tế tăng trưởng có ấn tượng, xóa đói giảm nghèo có thành tích… Tuy vậy, ngay bản thân chúng ta cũng nhận thấy, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém và thách thức lớn đang bủa vây. Trong đó nguy cơ tụt hậu so với thế giới ngày càng rõ.
Trước nguy cơ tụt hậu ngày càng rõ, nhiều người cho rằng phải dùng mọi tâm huyết và của cải vật chất để tập trung phát triển sản xuất kinh tế. Bởi, kinh tế phát triển là điều kiện tiên quyết để cải thiện mọi lĩnh vực khác trong đời sống nhân dân, nhất là đối với những vùng khó khăn. Phải có kinh tế phát triển mới đủ ngân sách để đầu tư cho sự phát triển hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng. Lẽ thường thì đa số chúng ta đều nghĩ vậy. Nhưng thực tiễn cuộc sống và những “biến động” về văn hóa, xã hội lại cho thấy không hẳn như vậy.
Chính những người sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ Mác và Ăng-ghen cho đến Lênin đã từng bác bỏ quan niệm coi kinh tế là nguyên tắc duy nhất. Trong thư gửi V. Bác-gui, ngày 25-1-1894, Ăng-ghen viết: “Sự phát triển của chính trị, luật pháp, tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật… đều xây dựng trên cơ sở kinh tế. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động đến cơ sở kinh tế”.
Ăng-ghen cũng đã rất tán thành quan điểm của nhà khoa học thiên tài M. Moóc-găng, khi Moóc-găng viết: “Từ khi thời đại văn minh ra đời, của cải tăng lên rất nhiều. Hình thức của cải là muôn vẻ, việc sử dụng của cải thì rộng rãi và sự quản lý của cải vì lợi ích của những kẻ sở hữu thì rất khéo léo, đến mức là đối diện với nhân dân, của cải đó đã trở thành một lực lượng không sao khống chế nổi… Sự tan rã của xã hội đang sừng sững trước mắt ta một cách đe dọa như là sự kết thúc của một quá trình phát triển mà của cải là mục đích cuối cùng và duy nhất, vì một quá trình phát triển như vậy đang chứa đựng những yếu tố làm cho chính nó bị tiêu diệt. Dân chủ trong quản lý, hữu ái trong xã hội, bình đẳng về quyền lợi, giáo dục phổ thông, tất cả những thứ đó sẽ báo hiệu giai đoạn cao sắp tới của xã hội mà kinh nghiệm lý trí và khoa học đang không ngừng vươn tới”.
Điều mà Moóc-găng nói ra cách đây hơn 200 năm, phải chăng đang là vấn đề thực tiễn nóng bỏng đối với nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Những vấn đề như dân chủ trong quản lý, hữu ái trong xã hội, bình đẳng về quyền lợi, giáo dục phổ thông… có liên quan đến sự phát triển kinh tế, nhưng chắc chắn đó không phải là sản phẩm tất yếu của kinh tế. Trái lại, nó phải trở thành nguyên tắc chỉ đạo sự phát triển kinh tế. Đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, do điều kiện phát triển kinh tế thấp khi bước vào xu thế toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, nên mục tiêu phát triển nhanh về kinh tế là nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Thế nhưng, nhu cầu phát triển đó lại thường dừng ở GDP (tổng sản phẩm quốc dân), GNP (thu nhập bình quân đầu người), mà dường như vẫn ít được chú trọng đến điều kiện sống toàn diện của mỗi con người (như tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị tàn phá, nguyên tắc công bằng xã hội bị xâm phạm...). Những hiện tượng bất cập đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới trạng thái bất an trong xã hội.
Theo quy luật, nếu một bộ phận xã hội rơi vào trạng thái bất an, thì người dân, người lao động sẽ không thể “toàn tâm toàn ý” mang tâm lực, của cải, tiềm năng và sáng tạo của mình để đóng góp, tham gia vào quá trình phát triển đất nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa các dân tộc luôn đứng trước những thách thức. Toàn cầu hóa đòi hỏi mở rộng thị trường, nhưng cũng làm xuất hiện sự thống trị của các thị trường kéo theo những ảnh hưởng xấu đối với con người. Sự cạnh tranh giữa các thị trường có thể là sự bảo đảm tính công bằng. Tự do hóa và tư nhân hóa có thể là một bước tiến tới thị trường cạnh tranh, nhưng không phải là sự bảo đảm cho một hiệu quả xã hội lành mạnh. Khi thị trường đi quá xa trong việc chi phối những lợi ích chính trị và xã hội, thì các cơ hội và những lợi ích toàn cầu hóa phân bố không đều và không công bằng. Khi những động cơ lợi nhuận của những tác nhân trên thị trường trượt khỏi vòng kiểm soát, chúng sẽ thách thức những vấn đề thuộc về đạo đức con người. Tình hình đó đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, và gánh nặng chắc sẽ nghiêng về những nước chậm phát triển và đang phát triển. Điều này cũng dễ hiểu, vì những nước chậm phát triển và đang phát triển thường là những nước chưa có đủ một hệ thống luật pháp và những nguyên tắc điều tiết chặt chẽ để chỉ đạo và quản lý các hoạt động kinh tế thị trường. Trong khi đó những nguyên tắc và đạo lý làm người vốn là sản phẩm của nền văn hóa dân tộc đang bị tấn công từ nhiều phía.
Chính cái nguyên tắc “thương trường là chiến trường” đã là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên mọi tiêu cực trong hoạt động kinh tế như gian lận thuế, hàng giả, hàng độc hại tràn lan, môi trường tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng. Những tác hại đó không chỉ gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tệ hơn là thói gian dối đã và đang góp phần làm tha hóa nhân cách của một bộ phận xã hội, làm mất dần tính trung thực, lòng tin yêu và tinh thần hữu ái giữa con người với con người. Đạo đức xã hội bị tấn công cũng từ đó.
Việc tỉnh táo để nhận thức được những lực cản chính đang níu kéo chúng ta, hoặc đang có nguy cơ làm chệch hướng phát triển của đất nước, là cực kỳ quan trọng. Phải bằng kinh nghiệm, lý trí và khoa học chỉ ra được mặt mạnh, mặt yếu của chúng ta hiện nay. Việc tập trung nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước phát triển là rất cần thiết, đặc biệt là việc đầu tư, tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ để nhanh chóng đưa công nghệ trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp.
Việc phát huy tinh thần khởi nghiệp ở một số nước phát triển trên thế đang có sức lan tỏa mang tính toàn cầu. Tuy vậy, chúng ta không thể quên là, điều kiện kinh tế - xã hội ở những nước đó khác nước ta, mô hình kinh tế - xã hội của họ cũng khác của ta. Do đó, bất cứ một sự “bắt chước”, “sao chép máy móc” nào, mà không căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể, đều có thể là nguy cơ phá vỡ cấu trúc văn hóa và những giá trị đạo đức.
Chúng ta xây dựng kinh tế thị trường, nhưng đó là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là kinh tế thị trường lành mạnh, nằm trong sự điều tiết của xã hội, của các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, không vì lợi nhuận mà gây tổn hại cho xã hội. Đã có kinh tế thị trường thì phải có lợi nhuận, phải có cạnh tranh, nhưng tinh thần cạnh tranh không nhằm thôn tính và tiêu diệt lẫn nhau. Nếu các chủ doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nhận thức được rằng, đại bộ phận tài sản họ có được đều do xã hội trao cho, thì khi đó sự trung thực, chữ tín đối với khách hàng và đối với các doanh nghiệp khác mới được hình thành, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau và với khách hàng mới được xây dựng và củng cố. Có lẽ đó cũng là điều mà những nhà khai sáng nước Nhật từ thời Minh Trị thiên hoàng đã từng trăn trở khi họ quyết định xây dựng nền kinh tế hàng hóa đầu tiên ở Nhật. Tác phẩm “Luận ngữ và bàn tính” vốn được ra đời từ đó, nhằm khuyến khích gắn đạo đức với kinh doanh.
Ở Việt Nam ta từ những năm 30 của thế kỷ trước, đã có những nhà tư sản dân tộc, với lòng yêu nước thương nòi, đã biết san sẻ lợi nhuận của mình với xã hội. Đặc biệt, khi cách mạng bùng nổ, họ đã có những đóng góp rất đáng kể cho Chính phủ cách mạng. Đó là những tấm gương sáng cần tiếp tục được tuyên truyền, biểu dương.
Hiện nay trong số các ý kiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều người đang nói đến vai trò kinh tế tư nhân, coi đó như một động lực cho sự phát triển. Về phương diện nào đó, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh tế tư nhân ra đời ngày càng nhiều, sẽ góp phần kích thích tính năng động của hoạt động kinh doanh sản xuất toàn xã hội. Qua đó, chúng ta sẽ huy động được nhân lực, tài lực và cả trí lực của người dân để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đó là điều hoàn toàn cần thiết. Nhưng về lâu dài, khi các cơ sở kinh tế tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều, thì hiệu quả xã hội sẽ ra sao nếu ý thức tư hữu của người dân, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận xã hội chưa được khắc phục, nếu tính hai mặt của công nghệ hiện đại không được nhận thức đúng, nếu thiếu nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là sự điều hành và quản lý của xã hội đối với các hoạt động kinh doanh đó còn yếu. Nếu những vấn đề đó chưa thực sự được giải quyết tốt thì vai trò động lực của các cơ sở kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng chỉ có ý nghĩa nhất thời. Vì vậy, cần đi tìm động lực cho sự phát triển kinh tế ở vấn đề con người, vấn đề văn hóa.
Về vấn đề này, chúng ta có thể rút ra những bài học lớn mà lịch sử đã để lại. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, giữa muôn trùng khó khăn về kinh tế, xã hội, do nạn đói kém và kẻ thù gây ra, Lênin đã mạnh dạn đề xuất chính sách kinh tế mới (NEP). Thực chất của nền kinh tế đó là tôn trọng việc sản xuất hàng hóa. Song song với chính sách NEP, Lênin đề ra hàng loạt chủ trương chính trị và xã hội quan trọng, được thể hiện trong 5 bài báo mà chúng ta thường gọi là di chúc chính trị của Người, đó là “Những trang nhật ký”“Bàn về chế độ hợp tác x㔓Về cuộc cách mạng của chúng ta”“Chúng ta phải cải tổ bộ máy thanh tra dân ủy công nông như thế nào”“Thà ít mà tốt”. Vấn đề nổi lên hàng đầu trong các bài báo đó cũng là vấn đề văn hóa. Trong bài “Bàn về chế độ hợp tác xã”, Lênin viết: “...chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản. Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền. Ngày nay, trọng tâm ấy đã chuyển sang công tác hoà bình tổ chức “văn hoá”. Điều Lênin muốn nói ở đây chính là phải nhanh chóng khắc phục những nghịch lý đang nảy sinh lúc bấy giờ: năng suất lao động thấp, không thích ứng kịp thời với những tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới, đời sống tinh thần của xã hội xuống cấp, các giá trị tinh thần bị đảo lộn, quyền dân chủ của nhân dân chưa được thực thi, công bằng xã hội bị vi phạm. Do có cách nhìn toàn diện, cho nên dù chính sách kinh tế mới chưa được tiến hành (do chiến tranh xảy ra), nhưng với sức sáng tạo và những giá trị tinh thần của xã hội được phát huy, nhân dân Liên Xô đã tạo được những kỳ công toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần, đưa đất nước vượt qua những thử thách nghiệt ngã, trở thành một cường quốc rạng rỡ một thời.
Đối với Việt Nam, ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, giữa bộn bề công việc: thù trong, giặc ngoài, dân tình đói kém, nhân dân đa số không biết chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh chỉ ra 3 thứ giặc cần tiêu diệt trước mắt: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Theo Người, cả 3 thứ giặc đều nguy hiểm như nhau, nhiệm vụ tiêu diệt 3 thứ giặc đó đều vinh quang như nhau. Việc tiến hành một cách đồng bộ trên cả 3 mặt trận đó đã tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, trong bản Di chúc để lại, Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt những nhiệm vụ cấp bách phải làm khi chiến tranh kết thúc. Nổi lên vẫn là vấn đề văn hóa, vấn đề con người khi Người viết: “Công việc đầu tiên là đối với con người”. Đặt con người ở vị trí đầu tiên, có nghĩa là Đảng, Nhà nước phải quan tâm giúp các tầng lớp nhân dân vượt qua những khó khăn thiếu thốn do cuộc chiến tranh để lại. Đồng thời, phải tạo mọi điều kiện để phát triển con người về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trước mắt và lâu dài.
Trong tư duy của Hồ Chí Minh, vấn đề văn hóa, vấn đề con người luôn chiếm vị trí quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử, dù đó là giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc hay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; Người cổ vũ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, coi đó là báu vật của đất nước; Người luôn trăn trở về văn hóa, con người; Người trực tiếp đề xuất việc tổng kết và tuyên truyền, phổ biến các tấm gương người tốt việc tốt; Bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh ra đời cùng thời điểm Người viết bản Di chúc.... Tất cả đã khắc họa và tô đậm thêm nội dung mà Hồ Chí Minh đã di chúc lại: “Công việc đầu tiên là đối với con người”.
Trong suốt tiến trình cách mạng, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới, tuân theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, những khó khăn thách thức vẫn còn không ít, thậm chí khá nghiêm trọng. Khó khăn và thách thức đó bắt nguồn từ đâu? Có cả nguyên nhân khách quan do tác động của mặt trái toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, của những thế lực xấu đang tìm cách gây mất ổn định cho đất nước. Nhưng chắc chắn nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là sự xuống cấp về văn hóa và về con người. Trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay, văn hóa và con người phải trở thành động lực quan trọng nhất. Từ nhiều năm trước Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Đó là một tư tưởng lớn. Đáng tiếc, trong hoạt động thực tiễn, nhiều khi tư tưởng đó chưa được coi trọng, thậm chí bị bỏ quên./.

Nhận xét

  1. Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu chính rất quan trọng để phát triển đất nước

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975