Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta
Xuất phát từ việc cần kíp phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp chuyển sang nền KTTT và hội nhập quốc tế. Chủ trương đó nhanh chóng được các nhà đầu tư trong, ngoài nước và đông đảo người sản xuất, tiêu dùng hưởng ứng. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước và có vốn nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều, hộ nông dân chuyển sang kinh doanh hàng hóa, hộ tư thương phát triển mạnh, thị trường hàng hóa và dịch vụ phát triển với quy mô ngày càng lớn, chủng loại phong phú hơn. Thị trường tài chính, nhất là thị trường tín dụng và chứng khoán phát triển khá nhanh. Thị trường bất động sản, thị trường lao động và khoa học - công nghệ, dù còn chưa phát triển một cách chuẩn tắc, nhưng cũng đã hình thành. Xuất khẩu, nhập khẩu phát triển mạnh, đưa nước ta trở thành nước có nền kinh tế mở ở mức độ cao trong khu vực.
Tuy nhiên, các yếu tố XHCN hoặc xuất hiện nhưng không có hiệu quả, hoặc chưa rõ nét. Cụ thể là, thành phần kinh tế nhà nước tuy chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng hiệu quả thấp. Thậm chí một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn lâm vào tình trạng mất vốn, phá sản, nợ nần (nợ của doanh nghiệp nhà nước đến năm 2013 đạt con số hơn 1 triệu tỷ đồng). Hợp tác xã còn yếu kém hơn, đặc biệt là không hấp dẫn nông dân. Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu theo chính sách ngắn hạn, hiệu lực và hiệu quả thấp, các vấn đề về lũng đoạn thị trường, gian lận, hàng giả… diễn ra phổ biến. Nhà nước làm mất dần niềm tin ở nhân dân do quản lý nền kinh tế chưa thực sự hiệu quả và công bằng, do “lợi ích nhóm” chi phối nên nhiều chính sách kinh tế chưa thực sự xuất phát từ lợi ích chung của quảng đại nhân dân lao động. Sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng gia tăng, tệ quan liêu, lãng phí và tham nhũng chưa được ngăn ngừa hiệu quả. Số đông người dân làm nông nghiệp có thu nhập thấp, hầu như rất khó thoát nghèo.
Tất cả những vấn đề đó một lần nữa lại đặt ra câu hỏi: tính XHCN của nền KTTT ở đâu? Mặc dù từ Đại hội XI đã nhấn mạnh, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, coi hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là một trong ba đột phá chiến lược…, nhưng nhiều năm đã trôi qua mà chủ trương ấy vẫn chưa đem lại thành quả như mong muốn: Kinh tế vĩ mô tuy cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phục hồi còn chậm, việc thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu. Những kết quả bước đầu của việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến về chất trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng chưa thật sự được nâng cao và duy trì một cách bền vững. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. An ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định; bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức; trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc.
Thực tiễn cũng cho thấy, nền KTTT định hướng XHCN có sự khác biệt với nền KTTT tư bản chủ nghĩa, thể hiện chính là ở chỗ ai làm chủ sức mạnh kinh tế và sức mạnh chính trị trong một nước. Trong nền KTTT tư bản chủ nghĩa: đó là giới chủ; trong nền KTTT định hướng XHCN: đó là đông đảo nhân dân lao động.Đó là sự khác biệt duy nhất. Các mặt kỹ thuật và tổ chức còn lại của KTTT như nguyên tắc trao đổi hàng hóa, kỹ thuật kiểm soát nền KTTT, kỹ thuật tổ chức quản lý để nền kinh tế quốc dân nói chung, mỗi tổ chức kinh tế nói riêng hoạt động ở trạng thái hiệu quả đều có thể chung nhau giữa hai loại nước (KKTT tư bản chủ nghĩa và KTTT định hướng XHCN) vì đó là thành quả tiến hóa mang tính nhận thức và khoa học của loài người.
Vì thế, muốn xây dựng nền KTTT định hướng XHCN trong điều kiện hiện nay, nhất thiết cần làm tốt một số công việc sau:
Thứ nhất,không ngừng nâng cao nhận thức về KTTT định hướng XHCN. Phải thấy rõ, KTTT là thành quả phát triển hàng nghìn năm của nhân loại và đạt được tốc độ phát triển đột biến khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghiệp cơ khí sản xuất hàng loạt. Chỉ có phát triển KTTT ở trình độ cao, mới có thể hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một cơ cấu kinh tế chuyên môn hóa sâu dựa trên lợi thế cạnh tranh. Sự nỗ lực đó chính là nhằm tăng năng suất lao động và chuyên môn hóa sản xuất là con đường tất yếu khách quan. Vấn đề là phải tìm được các ngành có lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, không ngừng tạo ra các quy chế đảm bảo tính tổ chức và văn minh của các giao dịch trên thị trường, nhất là về phương diện giảm thiểu chi phí và rủi ro cho các chủ thể kinh tế, trong đó chú ý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cung cấp thông tin về sản phẩm, kỷ luật hợp đồng và thanh toán không dùng tiền mặt… Từng bước phát triển các phương thức giao dịch phái sinh và hỗ trợ (giao dịch tương tác, bảo hiểm…).
Thứ ba,giảm thiểu can thiệp của Nhà nước vào giá cả để tăng cường điều tiết thông qua các công cụ thị trường như doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác; Nhà nước sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế để điều tiết phân bổ nguồn lực và phân phối của cải xã hội...
Thứ tư,tìm kiếm các mô hình kinh tế tập thể hấp dẫn hộ gia đình. Trong khi chưa thể có kết luận rõ ràng về chế độ sở hữu XHCN về tư liệu sản xuất thì các doanh nghiệp nhà nước hiện tại cần thực hiện theo ba hướng: 1) Nếu là doanh nghiệp nhà nước sản xuất hàng hóa công cộng thì hoặc quản lý nó như một đơn vị sự nghiệp, hoặc cho đấu thầu đơn hàng sản xuất theo gói hỗ trợ của Nhà nước. 2) Các doanh nghiệp còn lại phải định hướng theo tiêu chí hiệu quả kinh tế cá biệt trong so sánh và cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác cùng ngành. Có thể cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phù hợp; hoặc có thể cho giải thể, phá sản doanh nghiệp quá yếu kém đi đôi với xem xét trách nhiệm của cá nhân cán bộ quản lý. 3) Thiết lập cơ chế kiểm soát tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp theo một cách chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
Thứ năm,kiên quyết cải cách hành chính để có các cơ quan quản lý nhà nước trong sạch, thủ tục quản lý đơn giản, dễ tiếp cận, công khai, đề cao trách nhiệm phục vụ và giải trình của công chức. Trọng trách của Đảng là phải lãnh đạo thành công công cuộc cải cách này và phải thu hút, đào tạo được các công chức trong sạch, tài năng, thích hợp với chức trách được giao. Tạo cơ chế để nhân dân tăng cường giám sát đảng viên, công chức (tổ chức các kênh thông tin cung cấp bằng chứng sai trái của công chức, tổ chức bảo vệ có hiệu quả nhân chứng, tăng cường trách nhiệm phản biện của công luận, nhất là báo chí, truyền thông,…).
Thứ sáu,tăng cường vị thế của đất nước trên thị trường thế giới bằng chính sách đối ngoại mềm dẻo, bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc.
Những vấn đề còn lại, như xây dựng kết cấu hạ tầng; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; nâng cao nhận thức lý luận của Đảng; nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; kiện toàn luật pháp và bộ máy quản lý nhà nước; hoàn thiện hệ thống chính sách… là những vấn đề lâu dài, cần thiết kế những bước đi ngắn hạn tích cực, nhưng biết lựa chọn mục tiêu đầu tư để đạt hiệu quả dài hạn lớn nhất. Không thể nóng vội làm một lần là xong.
Thực tiễn đã kiểm nghiệm rằng, xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, một cách chuẩn tắc ở Việt Nam là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, lâu dài xét ở góc độ điểm xuất phát từ một nước kém phát triển. Vì thế, cần và có thể xây dựng các kế hoạch đổi mới đất nước và kiên định thực hiện nó để nâng dần trình độ phát triển của KTTT nước ta.
Tuy nhiên, cũng không thể coi nhẹ việc cải cách để cho các quan hệ trao đổi hàng - tiền có điều kiện thuận lợi phát triển. Niềm tin của người dân vào tiền, với tư cách phương tiện lưu thông và việc dùng tiền để đo lường giá cả của các hàng hóa đem ra trao đổi là một thành quả của phát triển các quan hệ xã hội của con người. Nhờ trao đổi hàng hóa mà hình thành thị trường. Đến lượt mình, thị trường, thông qua giá cả, cung - cầu có thể điều tiết hành vi của hàng tỷ con người mà không cần một bộ máy đồ sộ với chi phí không nhỏ của ủy ban kế hoạch nhà nước. Hơn nữa, dưới sự điều tiết của cơ chế thị trường, mỗi người cảm nhận được quyền tự do lựa chọn của họ và tự nguyện nhận trách nhiệm về các hành vi của mình thông qua thưởng phạt của các quan hệ thị trường.
Nhà nước phải đặt ra và đảm bảo sự tuân thủ các quy chế phòng ngừa gian lận, nhất là gian lận trên thị trường tài chính, để duy trì cạnh tranh công bằng, để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống chung, bảo vệ lợi ích quốc gia…
Các quan hệ thị trường, bao hàm cả là những cuộc cạnh tranh gay gắt để làm chủ nguồn nguyên liệu khan hiếm hoặc độc quyền gây ảnh hưởng đối với một lượng khách hàng nào đó, tiềm ẩn nguy cơ, vì vụ lợi, những người kinh doanh có thể làm hại lẫn nhau và làm hại cả người tiêu dùng lẫn người lao động. Vì thế, sự vào cuộc của Nhà nước là cần thiết để buộc các nhà kinh doanh phải hoạt động trong khuôn khổ có lợi cho quốc gia, cho xã hội, cho con người, nhất là người lao động. |
Ở đây, tính hiệu quả và công tâm của Nhà nước có vai trò quan trọng. Chúng ta thấy, bản chất XHCN của Nhà nước là bắt buộc trong nền KTTT định hướng XHCN. Bản chất ấy, trước hết phụ thuộc vào bản chất XHCN của Đảng Cộng sản cầm quyền - Đảng đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động lãnh đạo Nhà nước. Một đảng mang bản chất XHCN trong điều kiện quá độ ở Việt Nam không những phải ủng hộ các chính sách có lợi cho người lao động, mà cao hơn, phải đủ sức đào tạo, giáo dục và dẫn đắt người lao động đi lên CNXH. Vì thế, Đảng đó phải có lý luận dẫn đường, có đường lối phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, có uy tín và khả năng thuyết phục dân chúng tin tưởng thực hiện đường lối đó, có được sự ủng hộ của người lao động hậu thuẫn cho Đảng trong cuộc đấu tranh với các hệ tư tưởng - đảng phái khác (cả ở trong và ngoài nước). Đảng mang bản chất XHCN cũng phải tập hợp được giới quản lý ưu tú của dân tộc trong bộ máy nhà nước để lãnh đạo thành công công cuộc phát triển triểnđất nước. Nếu lòng tin của người lao động với Đảng bị phai mờ, nếu công chức là đảng viên không vì sự nghiệp của người lao động mà vì lợi ích có tính bè phái, nếu Đảng không thu phục được những người giỏi nhất, thì sự lãnh đạo của Đảng đứng trước nhiều thách thức, và đương nhiên hiệu quả sẽ không cao.
Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không có nghĩa Đảng làm thay Nhà nước. Nhà nước là một thiết chế, một sản phẩm của nhân loại, có lẽ còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn KTTT và Đảng Cộng sản. Đặc biệt, trong chế độ dân chủ cộng hòa, Nhà nước có những nguyên tắc và cơ chế vận hành của nó mà chúng ta phải tuân thủ. Nhưng nguyên tắc tối cao là nhân dân phải kiểm soát được quyền lực của Nhà nước. Các cơ quan của Nhà nước phải kiểm soát lẫn nhau. Trên hết, Nhà nước phải hoạt động có hiệu lực và hiệu quả vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của nhân dân lao động.
Phát triển nền KTTT định hướng XHCN là con đường hiện thực và tối ưu đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, những thiết kế cụ thể để mô hình đó hoạt động hiệu quả còn là thách thức trước Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Song, trên giác độ nhận thức luận, không còn nghi ngờ gì về con đường đã chọn. Vấn đề là kiên định mục đích, linh hoạt trong phương thức thực hiện, coi mục tiêu phát triển bền vững và ưu tiên lợi ích của nhân dân lao động là những tiêu chuẩn tối cao cho các lựa chọn chính sách của Đảng./.
Việt Nam đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh; điều đó khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng; do đó chúng ta luôn phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác, tôi cũng nghĩ như vậy
Xóa