CÁN BỘ PHẢI LUÔN NÊU GƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG



Cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải nêu gương về đạo đức cách mạng, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thấu hiểu sâu sắc rằng: "Cán bộ là gốc của mọi công việc" và “nói chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cho nên ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã yêu cầu người cách mạng phải rèn luyện và nêu gương đạo đức theo các chuẩn mực: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.

Điều đó có nghĩa là, để có thể cổ vũ, tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng tham gia cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên nhất định phải:

1) Có đạo đức cách mạng và thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, vì “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Hơn nữa, “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, do đó cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng. Cụ thể, mỗi người “tự mình phải” hằng ngày khiêm tốn học hỏi, nỗ lực trau dồi tri thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để “khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”; “đối với người” phải luôn chân thành yêu thương, luôn giúp đỡ đồng chí, đồng bào, khoan dung, độ lượng để quy tụ và  đoàn kết mọi người trong từng tổ chức, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động; khi “làm việc phải” tận tâm, tận lực theo nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, gương mẫu đi đầu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

2) Thực hiện nêu gương bằng hành động, thống nhất giữa nói và làm, vì: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Để xứng đáng với vị thế vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương bằng hành động cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, không được nói một đằng làm một nẻo, hứa mà không làm. Hơn nữa, cũng theo Người, “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, cho nên sự nêu gương, thống nhất giữa nói đi đôi với làm trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường của mỗi cán bộ, đảng viên là nguyên tắc trước hết cần pahir nghiêm túc thực hiện.

Nêu gương và noi gương có mối quan hệ chặt chẽ, bởi noi theo, làm theo những tấm gương tốt để cả xã hội cùng đổi mới và phát triển tốt đẹp là góp phần làm cho ý nghĩa những gương điển hình ấy lớn lao hơn, sức lan tỏa rộng lớn hơn. Hồ Chí Minh từng nói, biển cả là do “từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được”[8], do đó, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ góp phần làm đẹp hơn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được hình thành và bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn trở thành những hạt giống tốt, là những điển hình mực thước trong rèn luyện đạo đức cách mạng để mọi người cùng phấn đấu, học tập. Mang giá trị và ý nghĩa lớn lao, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, sự lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” của những tấm gương điển hình tiên tiến nảy sinh trong thực tiễn sẽ lan tỏa, góp phần truyền tải giá trị tinh thần cao quý trong cộng đồng.

Nhận xét

  1. Cán bộ là gốc của mọi vấn đề; do đó cán bộ luôn phải nêu gương để quần chúng noi theo

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975