SỰ SAI TRÁI CỦA LUẬN ĐIỂM “CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG KHÔNG CHỐNG ĐƯỢC THAM NHŨNG”

 

Để xuyên tạc, phủ nhận những tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho luận điểm “chế độ một đảng cầm quyền không thể chống được tham nhũng”. Đây là luận điểm rất sai trái, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Những năm qua, với quan điểm “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, công khai, minh bạch, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành một cách bài bản, đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch đã lợi dụng các trang mạng xã hội và kênh truyền thông không thiện chí với Việt Nam để lan truyền những thông tin xuyên tạc, bóp méo tình hình chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Một mặt, họ cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay “chỉ là để mị dân”, hay “Đảng Cộng sản Việt Nam không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”. Mặt khác, trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, hoặc xử lý hình sự do tham nhũng, họ lại cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ chính trị ở Việt Nam” và “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền. Từ đây, họ kêu gọi phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có thể chống được tham nhũng. Cổ súy cho khuynh hướng này, ngày 24/6/2022, Đài Á châu tự do (RFA) đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế” xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, họ nêu câu hỏi mang tính kích động chính trị, rằng: “Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”. Từ đó đưa ra “lời khuyên”: Việt Nam nên từ bỏ chế độ chính trị hiện hành để chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa mới chống được tham nhũng. Những luận điểm kiểu này thực sự nguy hiểm, dễ làm cho người dân lầm tưởng tham nhũng gắn liền với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa và do chế độ một đảng cầm quyền gây ra; qua đó, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã hội.

Cần khẳng định dứt khoát rằng, luận điểm coi tham nhũng là “căn bệnh kinh niên” của chế độ xã hội chủ nghĩa, của chế độ một đảng cầm quyền và “chế độ một đảng không chống được tham nhũng” là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương diện lý luận, một mặt, tệ nạn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng, một khi quyền lực bị lạm dụng. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra; có nhà nước là có tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Mặt khác, nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; người có quyền lực sẽ “không thể,” “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Do đó, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng. Trên phương diện thực tiễn, ở các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại; thậm chí một số nguyên thủ quốc gia (như ở: Tunisia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia, Pakixtan, Brazil,…) cũng dính vào tội tham nhũng. Mới đây, Phó Tổng thống Argentina, 01 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu cũng bị cáo buộc dính vào tham nhũng. Chẳng thế mà Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hằng năm đều công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) trong khu vực công, để cung cấp cái nhìn tổng quát về mức độ tham nhũng tương đối của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng. Nhìn vào bảng xếp hạng CPI năm 2021 (công bố đầu năm 2022) có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được điểm 100 (tức là không có tham nhũng). Những nước đứng đầu bảng xếp hạng CPI là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand, cũng chỉ đạt 88 điểm, nghĩa là vẫn có tham nhũng. Còn những nước đứng cuối bảng là Somalia, Syria và Nam Sudan chỉ đạt từ 11 đến 13 điểm, đều là các nước theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Bảng xếp hạng còn cho biết trong 10 năm qua (kể từ năm 2012), 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, trong đó có các nước như Australia, Canada và Mỹ. Điều đó cho thấy tham nhũng ở những nước này trong 10 năm qua có xu hướng gia tăng.

Thực tiễn ở nước ta cũng cho thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết liệt lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người coi tham ô, tham nhũng là thứ “giặc nội xâm”. Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”1. Người yêu cầu: “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”2, phải kiên quyết đấu tranh, quét sạch. Với cương vị là Đảng cầm quyền, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta chưa bao giờ buông lỏng nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định tham nhũng, tiêu cực là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, cần phải quyết liệt xóa bỏ. Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước đột phá, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Với cơ chế đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Để khắc phục những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện bước đi rất bài bản bằng việc ban hành và đưa vào tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực3, nhằm “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một cách quyết liệt, công khai, minh bạch. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao gấp 04 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII); trong đó, có 08 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và sang cả lĩnh vực chống tiêu cực. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Những kết quả cụ thể đó đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; đồng thời, là bằng chứng thuyết phục bác bỏ mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch. Con số 93% người dân được hỏi trong cuộc điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành thời gian qua, bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã nói lên điều đó. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam còn nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc về chỉ số CPI, năm 2021 tăng 03 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam là Hướng tới Minh bạch (TT) cũng khẳng định: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”. Trước những kết quả mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng có những đánh giá tích cực. Ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào nhận xét: “Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống. Tôi cho rằng, đây là động thái đúng đắn và cho tôi hy vọng rằng tham nhũng, tiêu cực sẽ không diễn ra khi thấy Đảng và Chính phủ xử lý tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như thế cũng như nhìn thấy hậu quả nếu tham nhũng, tiêu cực”. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) nhấn mạnh: “Tôi cho rằng những hành động mạnh mẽ này của Việt Nam rất đáng hoan nghênh, đặc biệt lần này là với ngay cả những quan chức cấp cao. Đây là một động thái tích cực và hy vọng rằng sẽ được duy trì”.

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với quyền lực nhà nước, nên không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Đó là điều mà cả thế giới đều nhận thấy. Ở nước ta, mặc dù cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao; với tinh thần đấu tranh không “ngừng”, không “nghỉ” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; những luận điệu sai trái cho rằng “Đảng ta không có quyết tâm chống tham nhũng”, hoặc “cơ chế một đảng lãnh đạo cầm quyền không chống được tham nhũng” nhất định sẽ không còn chỗ đứng.


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975