Chuyển đến nội dung chính

 

Kê khai tài sản: Chớ để cháy nhà mới ra mặt chuột

“Thu nhập không trung thực” là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ mặt, điểm tên. Đây cũng là vấn đề được Đảng ta rất quan tâm lãnh đạo chấn chỉnh, khắc phục; được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Căn bệnh đã di căn

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rơi vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực. Trước khi bị xử lý, cán bộ này thuộc diện phải kê khai tài sản và đều đặn thực hiện qua mỗi năm. Ấy nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng; tài sản kê khai và tài sản thực chênh nhau một cách bất thường.

Những câu chuyện tương tự như trường hợp nêu trên không hề hiếm. Hàng loạt quan chức hầu tòa trong thời gian qua thì có ngần ấy cán bộ phạm phải việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; biển thủ, trục lợi khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân thành của riêng. Nhiều người lý giải, sở dĩ những cán bộ này không trung thực bởi đây là phần việc “bất khả thi”, vì không thể lý giải nguồn gốc tài sản. Mặt khác, làm vậy thì chẳng khác gì câu chuyện “lạy ông tôi ở bụi này”.

Đáng nói là hiện nay, dù đã có khá đầy đủ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, thu nhập và công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện phải kê khai nhưng vấn nạn kê khai giả dối, thiếu trung thực vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều đó cho thấy, cốt tử của vấn đề nằm ở phẩm chất, đạo đức của cán bộ kê khai tài sản, thu nhập. Họ đã thực sự bị suy thoái, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên cho thấy: Có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện và có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã được chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Như vậy, nếu cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập thì tất yếu sẽ lòi ra những cá nhân kê khai không đúng, không trung thực. Trong khi phần việc này chỉ được tiến hành ngẫu nhiên trong số vài phần trăm cán bộ, càng cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực đã và đang là vấn nạn đáng báo động.

Kê khai tài sản: Chớ để cháy nhà mới ra mặt chuột

 Ảnh minh họa về kê khai tài sản.

Sự nguy hại từ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực của cán bộ trước hết gây ra việc thất thoát khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước, nhưng lớn hơn là gây mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ. Thế mới có chuyện, người dân kháo nhau về tài sản cán bộ giống như những tảng băng trôi. Tài sản được kê khai chỉ là phần nổi, còn phần chìm lớn hơn gấp nhiều lần. Thế mới có chuyện, dân không tin những cán bộ giàu lên một cách chính đáng, mà thường suy diễn, quy chụp cán bộ giàu là bởi tham nhũng mà có. Nhiều người dân cũng mặc định đã là cán bộ lãnh đạo cấp cao thì tất yếu phải giàu có hơn quần chúng. Và nếu thấy cán bộ gặp hoàn cảnh khó khăn thì quy chụp rằng cán bộ ấy đang cố tình mị dân, giả nghèo giả khổ, chứ chắc hẳn tài sản thực đã được chia năm xẻ bảy, lấp liếm, trá hình bằng nhiều hình hài khác nhau.

Cũng bởi tâm lý xã hội ấy mà không ít cán bộ giàu có thật sự lại sinh ra tâm lý e ngại khi kê khai tài sản. Họ thậm chí giấu giếm đi sự giàu có chính đáng để tránh “miệng lưỡi thế gian” không cần thiết. Đây cũng là một thực tế cần được nhận diện, phê bình, khắc phục. Bởi lẽ, cán bộ cũng là con người, là công dân của một đất nước. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ tổ chức giao, cán bộ còn tham gia các hoạt động xã hội khác, trong đó có hoạt động phát triển kinh tế. Việc cán bộ có tài-đức, làm kinh tế đúng pháp luật, gặt hái thành công, trở nên giàu có chính đáng là rất đỗi bình thường. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên năng động trong công tác và trong phát triển kinh tế tư nhân đã mang lại động lực tích cực cho đồng nghiệp, bà con xóm giềng và nhân dân ở địa phương nơi họ công tác, sinh sống. Cũng có không ít mô hình phát triển kinh tế, phong trào tăng gia sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các địa phương được hình thành, được thúc đẩy và truyền cảm hứng từ chính những người cán bộ, đảng viên có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng.

Gắn chặt “kê” với “kiểm”

Phải nhận rõ một thực tế là chúng ta đang duy trì nền nếp việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, thế nhưng tổ chức và cơ quan chức năng chưa thật sự coi trọng việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Đến hẹn lại lên, cán bộ điền vào những mẫu phiếu có sẵn về nguồn thu và những phát sinh tài sản, nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào (cả trong nội bộ) thực hiện chức năng thẩm định, kiểm kê, kiểm soát một cách thường xuyên nhằm xác minh kịp thời tính trung thực của nó. Thành thử, tích tiểu thành đại, đến khi khối tài sản của cán bộ trở nên bất thường thì mới sinh ra hoài nghi, lật ngược vấn đề rồi đi đến xử lý kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong nhiều tình huống khác, đến khi cán bộ rơi vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật Nhà nước thì cháy nhà mới ra mặt chuột.

Dư luận cho rằng: Nếu việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát được thực hiện đồng thời với việc kê khai tài sản, thu nhập thì chắc chắn việc cán bộ kê khai gian dối, thiếu trung thực sẽ được khắc phục cơ bản; những tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện từ sớm, giúp kịp thời phê bình, uốn nắn cán bộ, ngăn chặn tiêu cực lớn. Ngược lại, nếu chỉ đơn thuần coi trọng việc kê khai mà chưa chú trọng đến công tác xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta chỉ làm nửa vời, thiếu tròn khâu và đây là kẽ hở cho những gian dối, thiếu trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm hiện nay là nên triển khai một đợt xác minh, kiểm kê, kiểm soát rộng khắp ở mọi đối tượng cán bộ, trước hết là những người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt. Cần tiến hành đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và xem đây là một việc hết sức bình thường của tổ chức, chứ không chờ đến khi có dấu hiệu vi phạm mới xúc tiến, triển khai. Nguyên tắc xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản cần vận hành từ trên xuống dưới; cấp trên kiểm soát tài sản của cấp dưới; tổ chức kiểm tra, kiểm soát tài sản của cá nhân... Đây chính là một bước xốc lại chất lượng của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm biết được toàn cảnh thực trạng tài sản của cán bộ, tạo cơ sở vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo.

Thực tế cho thấy, không ít bộ, ngành, địa phương đã xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; có địa phương tiến hành việc bốc thăm để kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập thì đã thu được kết quả thấy rõ. Những cán bộ không trung thực sớm bị phát hiện; có cá nhân bị mất chức, bị điều chuyển công tác, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật. Đây là cách làm đúng đắn, hợp lòng dân, là cơ sở để cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu, nhân rộng, vận hành trong toàn hệ thống. Bởi thế, đông đảo người dân cho rằng, về lâu dài, việc xác minh, kiểm tra, kiểm soát tài sản tất yếu phải tiến tới thực hiện đồng bộ chứ không thể bốc thăm, hay lựa chọn ngẫu nhiên. Trước mắt, cần quan tâm thực hiện triệt để, đồng bộ ở đối tượng người đứng đầu và cán bộ phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn để cơ quan chức năng có những đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.

Sờ gáy “tài sản chìm”

Việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cần quan tâm sâu sát, kỹ lưỡng cả "tài sản nổi" và "tài sản chìm" của từng cá nhân. Đây là phần việc cần thiết, bởi nhiều năm trước, chúng ta thường nhận diện, đánh giá cán bộ giàu có qua những căn biệt thự, xe sang, cuộc sống sung túc, đầy đủ... Thế nhưng, với mức sống hiện tại, những câu chuyện ấy không còn là tâm điểm dư luận. Một phần vì chất lượng đời sống xã hội đi lên, cả người dân, nhất là chủ doanh nghiệp cũng đã có cuộc sống dư dả, đầy đủ. Trong khi những cán bộ vốn "biến hình" thu vén cá nhân, có tài sản bất minh lại đủ hiểu "sức mạnh cuồng phong" của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Trung ương lĩnh xướng. Bởi thế, họ tìm mọi cách điều chỉnh, thích nghi, tạo hình hài cuộc sống phù hợp. Họ không thể hiện sự giàu có, thậm chí còn giả nghèo giả khổ. Trong khi đó, khối tài sản của không ít cán bộ rất lớn, được phân tán, biến hình ở nhiều nơi-đó được xem là “tài sản chìm”.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát, xác thực kê khai; chú trọng phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh; tăng cường các biện pháp xử lý mạnh mẽ, đủ sức răn đe đối với các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc. Đặc biệt, cần sớm thực hiện “số hóa kê khai tài sản”. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Đây được xem là bước tiến mới cả về lý luận và thực tiễn công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bởi lẽ, khi số hóa các dữ liệu liên quan đến việc kê khai sẽ giúp lưu trữ tốt hơn và các cơ quan chức năng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất các thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ khi có yêu cầu. 

Tuy nhiên, việc số hóa cũng chỉ là một giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, cần đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp khác; quan trọng là hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; chú trọng đẩy mạnh lộ trình vận hành, duy trì xã hội “không tiền mặt”; hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch toàn xã hội, nhất là những giao dịch có giá trị lớn như mua nhà, bất động sản, xe ô tô, chứng khoán và các hoạt động đầu tư, cổ phần, góp vốn... của cán bộ. Đa dạng các kênh chính thống tiếp nhận thông tin của quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, khu dân cư nơi cán bộ, đảng viên cư trú. Đặc biệt là phải có biện pháp quản lý sự minh bạch nguồn gốc tài sản trong sở hữu và giao dịch toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với từng cán bộ, đảng viên.

Việc kê khai tài sản hiện nay được tiến hành chủ yếu theo “mùa vụ”, đến dịp, đợt thì đồng loạt kê khai, nhưng giải pháp này xem ra chưa phát huy cao nhất trách nhiệm và tính tự giác của cán bộ. Bởi thế, cần có thêm những quy định cụ thể khác mang lại hiệu quả sát thực, ví như việc biến động tài sản, thu nhập theo định mức cụ thể bắt buộc cán bộ phải kê khai bổ sung, báo cáo kịp thời với tổ chức chứ không chờ đến cuối năm, hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều ý kiến đề xuất việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ ở nơi sinh sống và làm việc một cách phù hợp. Chỉ có như vậy thì đồng nghiệp, cấp dưới và quần chúng mới nắm bắt thực chất thu nhập, biến động tài sản của cán bộ để giám sát hiệu quả.

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975