TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ NHỮNG HÀNH VI LỢI DỤNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin,
hình thức thể hiện của tự do ngôn luận có sự biến đổi lớn. Internet, mạng xã
hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư
tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Sức lan tỏa và ảnh
hưởng của nó rất mạnh mẽ và nhanh chóng, tạo được sự chú ý, quan tâm theo dõi
của số đông người dân, nhất là những người có ảnh hưởng trong xã hội.
Chỉ cần sở hữu phương tiện điện tử (điện thoại thông minh,
laptop) có kết nối Internet, cá nhân có quyền tự do truyền đạt thông tin, ý
kiến của mình đến người khác mọi nơi, mọi lúc. Tình trạng các hội, nhóm tiêu
cực xuất hiện trên không gian mạng có xu hướng ngày càng gia tăng gây tác động
xấu đối với người sử dụng mạng nói riêng và việc giữ gìn an ninh, trật tự xã
hội nói chung.
Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có các
biện pháp ngăn chặn hiệu quả cũng như đặt ra yêu cầu mỗi người dân khi tham gia
mạng xã hội phải hết sức tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của "thế
giới ảo".
Thông qua các hội, nhóm tiêu cực, người
dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ
thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình. Điều này mang đến những nguy
cơ khi quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên
không gian mạng có quan điểm sai trái, thái độ cực đoan, nhận thức pháp luật
chưa đầy đủ, dẫn đến bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động hoặc
vì động cơ cá nhân, một số trường hợp đã đăng tải thông tin sai sự thật, xâm
phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Điển hình như các trường hợp: Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên
Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, Trương Châu Hữu Danh (trú tại Long An),
Nguyễn Phương Hằng, Lê Anh Dũng (trú tại TP Hồ Chí Minh), Lê Chí Thành (trú tại
Bình Thuận), Nguyễn Huy (trú tại Quảng Trị)... Những trường hợp trên đều bị
truy cứu theo Điều 331, BLHS 2015 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, cụ
thể là lạm dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Sự lợi dụng các quyền tự do ngôn luận trên
không gian mạng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.
Theo dữ liệu thống kê từ We are Social, tính đến tháng 1/2022, Việt Nam có
76,95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% tổng dân số. Từ năm 2021
đến 2022, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng 5 triệu người (6,9%).
Với độ phủ sóng rộng cùng một lượng lớn thời gian hoạt động và tương tác trên các
nền tảng xã hội, những gì người sử dụng thu nhận được sẽ tác động không nhỏ đến
việc hình thành tư tưởng và phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống, nhất là ở
nhóm đối tượng vị thành niên - lứa tuổi dễ đi theo những luồng tư tưởng mới, dễ
bị tổn thương và kích động tâm lý.
Nhận xét
Đăng nhận xét