CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NGUYÊN TẮC “TẬP TRUNG DÂN CHỦ” TRONG ĐẢNG

             Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ khi thành lập cho đến nay, do thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ mà Đảng có đủ sức mạnh để vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch tuyên truyền luận điệu cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, chỉ phù hợp trong giai đoạn đất nước chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật hoặc khi có chiến tranh. Hiện nay, Đảng phải mở rộng dân chủ, phát huy sáng tạo cá nhân để phát triển đất nước. Họ cho rằng: tập trung và dân chủ là 2 mặt đối lập, không thể kết hợp trong một nguyên tắc. Nếu tập trung tất yếu sẽ dẫn đến triệt tiêu, thu hẹp dân chủ. Ngược lại, muốn dân chủ phải từ bỏ tập trung. Tập trung và dân chủ là hai mặt “không thể dung hòa”.

Với luận điệu xuyên tạc cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đúng trên lý thuyết, còn thực tế không thực hiện được, chúng lợi dụng việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của một số cán bộ, đảng viên để kêu gọi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cố tình lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất của tập trung dân chủ; cho rằng cần bỏ chế độ thiểu số phục tùng đa số, cho phép đảng viên được nói và làm khác với nghị quyết của Đảng mới thực sự có dân chủ; cho rằng tập trung dân chủ kìm hãm tư duy sáng tạo của đảng viên; đưa quan điểm dân chủ tự do, dân chủ cực đoan, ủng hộ chiêu bài dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, cổ vũ cho những bất đồng ý kiến nhằm chia rẽ Đảng từ bên trong.

Luận điệu trên của các thế lực thù địch hoàn toàn không có căn cứ. Thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất kỳ điều kiện nào cũng cần phải tập trung dân chủ; bất luận đó là khi đất nước có chiến tranh hay trong thời bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giữ vững tập trung dân chủ không chỉ nhằm mở rộng dân chủ, phát huy mạnh mẽ dân chủ mà còn phải giữ gìn tính tập trung thống nhất, tính kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung; Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. “Vì một người dù khôn ngoan, tài giỏi đến mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó”. Do đó thấy được mọi mặt, mọi vấn đề. Về cá nhân phụ trách, Người cho rằng: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”.

Tập trung và dân chủ có mối quan hệ biện chứng nhau. Tập trung phải trên cơ sở dân chủ và dân chủ phải dưới sự lãnh đạo để đảm bảo tập trung, tránh tình trạng tập trung quan liêu, chuyên quyền độc đoán hay dân chủ tự do, vô kỷ luật. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn, là điều kiện đảm bảo sự tồn vong của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đúng nguyên tắc, bản chất của tập trung dân chủ sẽ bảo đảm được vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp cán bộ đảng viên kiên định nền tảng tư tưởng và các nguyên tắc hoạt động của Đảng. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số là quy định bắt buộc, thể hiện ý chí tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.

        Thực tiễn đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức thống nhất ý chí và hành động, không gì chia rẽ được. Không có sự phe nhóm, bè phái, lợi ích nhóm. Đảng lấy tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển. Trước các luận điệu xuyên tạc về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo nhận diện thông tin sai trái, thù địch; khách quan trong nhìn nhận, đánh giá từ thực tế nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng để không bị hoang mang, dao động, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975