ÂM MƯU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ “XÃ HỘI DÂN SỰ”, CỔ XÚY “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”, CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

             Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn mới nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng các trường hợp vi phạm pháp luật, một số vụ án tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên ở cơ quan nhà nước cùng việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một vài thiết chế trong hệ thống chính trị... để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của Nhà nước, tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập”, coi đó là “phương thuốc vạn năng” cho việc kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng, phát huy dân chủ trong thực thi quyền lực nhà nước. Được bao bọc dưới những “lớp vỏ mới” nhưng về bản chất, mục tiêu trọng tâm của các luận điệu đó vẫn không hề thay đổi.

Trên các trang web và kênh phát thanh, không có ngày nào, giờ nào RFI, RFA, BBC dừng đăng tải các bài viết tung hô, cổ xúy cho “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự”, đồng thời kêu gọi “Việt Nam cần thực hiện “tam quyền phân lập” để tránh Nhà nước toàn trị”, “Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ cộng sản”, “Quyền lực tập trung là nguy cơ tham nhũng”…

Bên cạnh đó, RFI, RFA, BBC còn dẫn lời các quan điểm cá nhân được dựng lên nhằm rêu rao về “nguyên tắc tam quyền phân lập”, coi đó “là một đặc trưng của quốc gia dân chủ”, đòi trao cho nhánh tư pháp quyền độc lập, quyền quản lý trại giam, và các thẩm quyền về bắt giam giữ, khám xét, thu giữ đồ vật… Trên các mạng xã hội, các tài khoản đua nhau “tát nước theo mưa” cho rằng nếu Việt Nam không áp dụng mô hình tam quyền phân lập, thì nên tăng cường kiểm soát theo chiều dọc của mô hình tam quyền phân lập thay vì các hình thức kiểm soát theo chiều ngang như hiện nay.

Cùng với sự tung hô “tam quyền phân lập” là các hoạt động cổ xúy cho “xã hội dân sự”. Với mưu đồ chống phá Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị đang bóp méo, biến tướng vấn đề về “xã hội dân sự”, coi việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” là bàn đạp bước đầu để tập hợp lực lượng, thai nghén, sản sinh ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều hội, nhóm núp bóng “xã hội dân sự” do các cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước thành lập, điều hành, như: “Hội anh em dân chủ”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Tổ chức xã hội dân sự”, “Viet Liberty” (Việt Nam Tự do), “Nhà xuất bản tự do”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”… Ngoài ra, chúng còn móc nối, câu kết chặt chẽ với nhiều tổ chức quốc tế thường xuyên có hoạt động chống phá Việt Nam như RSF (Phóng viên không biên giới), AI (Ân xá quốc tế), VOICE (Sáng kiến thể hiện lương tâm người Việt hải ngoại)…

Khi tiến hành chống phá dưới chiêu bài “xã hội dân sự”, các đối tượng ra sức cổ xúy tính ưu việt, sự dân chủ của “xã hội dân sự” để đánh lừa nhận thức của người dân, cũng như hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; rêu rao luận điệu cho rằng các tổ chức “xã hội dân sự” hoạt động ưu việt và hiệu quả hơn nhiều so với các cơ quan công quyền. Từ đó, các đối tượng kích động sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào Đảng trong một bộ phận quần chúng nhân dân.

Đồng thời, các đối tượng tập trung tung ra luận điệu đòi tuyệt đối hóa sự “độc lập” của các tổ chức “xã hội dân sự”, đòi thúc đẩy thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Với lý do “bảo vệ sự dân chủ”, các đối tượng cho rằng cần có sự tách bạch một cách tuyệt đối giữa “công” và “tư”, giữa nhà nước và “xã hội dân sự”. Thậm chí, các đối tượng này còn đưa ra quan điểm cho rằng, các tổ chức “xã hội dân sự” chỉ cần hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, thỏa thuận của những người lập ra nó mà không cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Xã hội dân sự là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân trong khuôn khổ của một quốc gia - dân tộc, được xác định với những đặc tính cơ bản như: tính tự nguyện, tính phi lợi nhuận và tính tự quản. Tổ chức “xã hội dân sự” nằm ngoài nhà nước, nhưng tính độc lập chỉ là tương đối. Trong xã hội có giai cấp, mối quan hệ giữa nhà nước và tổ chức “xã hội dân sự” được thể chế hóa bằng pháp luật. Tổ chức “xã hội dân sự” tồn tại dưới dạng các tổ chức hội, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ... và các phong trào xã hội.

Thực tiễn ở các quốc gia tư bản cho thấy, trong các nền dân chủ đa đảng, ranh giới giữa một tổ chức của xã hội dân sự và đảng chính trị rất mong manh. Một tổ chức xã hội khi đủ điều kiện và đăng ký tham gia tranh cử vào nghị viện, nếu giành được một tỷ lệ phiếu nhất định trong các cuộc bầu cử (theo quy định của các nước rất khác nhau), thì được xếp vào đảng chính trị và nhận được hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước để hoạt động. Thậm chí nếu giành được số phiếu cao có thể trở thành đảng chính trị có vị thế trong đời sống chính trị đất nước. Còn các tổ chức xã hội không hội đủ số phiếu cần thiết, cùng với các hiệp hội, quỹ, diễn đàn, viện nghiên cứu độc lập... được xem là thành tố cấu thành của “xã hội dân sự”. Những tổ chức của “xã hội dân sự” có vị thế lớn đều có lực lượng chính trị đứng sau chi phối, gây ảnh hưởng, thông qua cung cấp tài chính và định hướng mục tiêu hoạt động.

Tại Việt Nam, các tổ chức kiểu “xã hội dân sự” hiện nay đang tồn tại dưới nhiều hình thức như: tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích… Các tổ chức đó hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước. Chúng ta không phủ nhận vai trò nhất định của các tổ chức xã hội, hiệp hội, quỹ, diễn đàn,... nhất là khả năng tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội tại cộng đồng hay nhóm xã hội cụ thể; tập hợp nguyện vọng đa dạng của các tầng lớp trong xã hội phản ánh đến Đảng và Nhà nước; trực tiếp đứng ra cung ứng một số dịch vụ xã hội do Nhà nước ủy quyền, hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng thiết lập các tổ chức xã hội đa dạng theo ngành nghề, lợi ích, nhu cầu, thiện nguyện… và không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để phát huy vai trò của các tổ chức này thật sự có ích cho xã hội, cho người dân. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có đóng góp cho cộng đồng, phát triển xã hội, tôn trọng pháp luật Việt Nam đều được thừa nhận và khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên, cần khẳng định rõ, điều đó không đồng nghĩa với việc tất yếu trong tiến trình phát triển, nước ta phải có các tổ chức “xã hội dân sự” đối lập với nhà nước. Vấn đề các thế lực thù địch cố tình “phớt lờ” là ở chỗ bản chất của Nhà nước ta là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; sứ mệnh, chức năng của Nhà nước là phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của dân; nhân dân và các tổ chức do nhân dân thành lập không chỉ làm chủ trong hoạt động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân mà còn có quyền phản biện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước. Không hà cớ gì nhân dân lại phải lập ra các tổ chức đối lập với các tổ chức cũng do nhân dân lập ra để thay mặt nhân dân quản lý đất nước, quản lý xã hội, để phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, “bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện mô hình tổ chức của Nhà nước, phân công, phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước”. Ở Việt Nam, giữa các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án) có sự kiểm soát lẫn nhau, nhưng không phải là sự kiểm soát của những lực lượng đối lập nhau, mà quyền lực của các cơ quan này đều do nhân dân ủy quyền, phân công để thực hiện các chức năng khác nhau, đều do cùng một đảng cầm quyền lãnh đạo, nên còn có trách nhiệm phối hợp với nhau để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, quan hệ phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền cũng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật.

Như vậy, thông qua nhiều phương thức khác nhau để đạt được mục tiêu phát triển đất nước bởi ở từng quốc gia, dân tộc có điều kiện, hoàn cảnh riêng. Không thể bê nguyên xi một mô hình nào đó để vận dụng mà chúng ta chỉ thể kế thừa các “hạt nhân hợp lý” mà thôi. “Tam quyền phân lập” hay “xã hội dân sự” không phải là “chìa khóa vạn năng” cho mọi cánh cửa phát triển. Đặc biệt, đối với Việt Nam, sự kiểm soát đối với quyền lực nhà nước là tất yếu nhưng phương thức kiểm soát phải được xác định trên cơ sở thực tiễn. Sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cần phải có sự giám sát của nhân dân nhưng không tất yếu đòi hỏi tạo nên sự kiểm soát lẫn nhau như giữa các lực lượng đối lập, tạo nên sự chia rẽ, cản trở sự phát triển của đất nước. Cổ xúy “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” theo khuôn mẫu của chủ nghĩa tư bản là đồng nghĩa với kéo lùi lịch sử. Luận điệu các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với mưu đồ đen tối, đang tung lên các kênh thông tin là hoàn toàn sai trái, cần tiếp tục vạch trần và đấu tranh loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội./.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975