TRÁNH NHẸ DẠ, VÔ TÌNH BỊ LỢI DỤNG
Chuyện
chẳng phải mới nhưng chưa bao giờ cũ. Liên tục trong thời gian qua, ở nhiều nơi
diễn ra tình trạng cán bộ hưu trí, cán bộ nghỉ chế độ, cán bộ bị kỷ luật buộc
phải rời khỏi tổ chức... có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, tuyên bố “cạch
mặt” tổ chức, bôi nhọ cơ quan, đơn vị cũ; nêu chính kiến đi ngược lại với quan
điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thậm chí, một số
cá nhân còn chủ ý cổ xúy hoặc vô tình bị các lực lượng thù địch lợi dụng, lôi
kéo tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam.
Thực tế đáng lo ngại
đó cần phải sớm được thẳng thắn nhận diện và có giải pháp đấu tranh quyết liệt,
tẩy trừ dứt điểm.
Nguy hại từ những câu chuyện
làm quà
Ông cán bộ nọ, từng
công tác ở cơ quan trọng yếu hẳn hoi, nhưng khi vừa về hưu, trong câu chuyện
trà nước đã lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán, chê bai chính tổ chức mà mình từng gắn bó
suốt quãng đời công tác. Ông cho rằng sở dĩ bản thân phải tá túc với “cái nơi ấy”
là vì “cơm, áo, gạo, tiền” chứ nội bộ cơ quan "chẳng đẹp đẽ" gì. Và rồi
ông chê trách cách ứng xử, cách sống của người đứng đầu đương chức; chế nhạo,
nói xấu cả những đồng nghiệp cũ.
Lại có chuyện một
cán bộ vừa bị kỷ luật do vi phạm nhưng không nhận thức rõ khuyết điểm cá nhân để
tự sửa chữa, lại huênh hoang livestream, viết bài đăng lên tài khoản facebook
cá nhân bày tỏ sự không vừa lòng và kêu gọi cộng đồng lên tiếng bảo vệ mình?!
Nhiều người không hiểu nội dung vụ việc nên đã vô tư a dua, lớn tiếng đặt điều,
lên án tập thể, cơ quan chức năng.
Rồi lại thêm chuyện
một số cá nhân do phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác,
bị tổ chức thải loại, buộc phải nghỉ chế độ theo yêu cầu tinh giản biên chế, được
hưởng các chế độ đãi ngộ theo đúng quy định... nhưng có vẻ trong lòng ấm ức nên
cố tình “trở cờ” với tổ chức. Các vị này “hồn nhiên” mang những chuyện nội bộ,
cả những việc có yếu tố bí mật (theo quy định của Nhà nước) để công khai trên
diễn đàn xã hội. Tệ hơn, họ coi đó như một phương tiện hòng "câu
like", "câu view" hoặc “nói cho bõ tức”...
Những câu chuyện
như trên diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, mà tính chất, mức độ nguy hại của nó
thì thật khó lường. Vì tiếp nhận thông tin một chiều, không có điều kiện thẩm định
thực-hư, không nắm chắc bản chất vấn đề, cũng không nhận rõ yếu tố chủ nghĩa cá
nhân, chủ nghĩa vị kỷ của những người lớn tiếng “kêu oan”, bày tỏ bức xúc...
nên dư luận xã hội, nhất là trên cộng đồng mạng được dịp a dua, theo đóm ăn
tàn, like, share cảm tính, vô hình trung tạo nên làn sóng dư luận tiêu cực
trong cộng đồng. Chính điều đó đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần xã
hội. Theo chiều tiêu cực, nhiều người dần dần hình thành cách nhìn phiến diện,
thiếu thiện cảm đối với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ. Nhiều người hiểu
sai bản chất và không nhận rõ tính khoa học, khách quan từ những chủ trương, giải
pháp của Đảng, Nhà nước về công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách đối với cán
bộ, đảng viên; không thấy hết nỗ lực của các cấp, các ngành trong hiện thực hóa
chủ trương tinh giản biên chế, quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không nhận thức đủ tính ưu việt trong chính sách
trọng dụng hiền tài và quyết tâm thải loại những thành phần yếu kém về năng lực,
phẩm chất ra khỏi tổ chức... Những hành vi lệch lạc đó đã gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của quần chúng đối với tổ chức đảng
và bộ máy chính quyền Nhà nước.
Nguy hại hơn là từ
những sự vụ, sự việc nêu trên, các lực lượng thù địch lấy đó làm nguyên cớ hòng
đưa đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, rồi suy diễn, quy chụp về những tồn tại, hạn
chế trong nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước. Từ một vài ví dụ trên mạng xã hội,
chúng rêu rao rằng "nội bộ tổ chức đảng và chính quyền đang mất đoàn kết,
phân chia bè cánh, kèn cựa, đấu đá hạ bệ lẫn nhau nên mới có chuyện thải loại
và đẩy cán bộ tốt vào đường cùng"... Từ đó, chúng đề xuất, tự thúc đẩy
trào lưu đấu tranh, kích động biểu tình, gây rối trên một số địa bàn. Sự việc
diễn ra năm 2018 ở nhiều địa phương, nhất là ở Bình Thuận càng giúp chúng ta thấm,
ngấm được bài học về việc cộng đồng xã hội và người dân bị các thế lực thù địch
“dắt mũi” thông qua những bài viết trên mạng xã hội.
Bắt bệnh và trị bệnh
Phải khẳng định
ngay, những cá nhân nêu trên đã tự đánh mất mình, rơi vào “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”. Họ đã mặc nhiên quay lưng với chính hệ tư tưởng, quan điểm, lý tưởng
cống hiến trong suốt quãng đời công tác trước đây của bản thân. Chính họ đã tự
xúc phạm, giẫm đạp lên quá khứ của chính mình!
Vì sao lại thế? Có
muôn nghìn câu trả lời. Cũng thấy rõ muôn vàn lý do, nguyên nhân đưa đến thực
trạng đó. Nào là do những xích mích, mất lòng trong hàng ngũ lúc còn đương chức;
do về hưu phải đối diện với sự cô đơn, cô độc, lại có nhiều thời gian nên “rảnh
rỗi sinh nông nổi”; do thiếu thông tin, không tìm hiểu cặn kẽ sự việc... nên nhận
thức phiến diện, cực đoan; do tác động từ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nhất là
khi chúng xác định nhóm công dân này là một trong những đối tượng có thể tập
trung lợi dụng, lôi kéo...
Thế nhưng, dù căn
nguyên ra sao thì vấn đề cốt tử vẫn nằm ở bản lĩnh chính trị và bản chất của những
người từng khoác lên mình màu áo đảng viên và danh dự, tư cách người cán bộ
cách mạng. Thực tế cho thấy, một khi cán bộ thật sự có bản lĩnh, chí công, vô
tư phục vụ tổ chức, cơ quan, đơn vị, sống chân thành, tử tế với đồng chí, đồng
đội lúc đương chức thì khi nghỉ hưu, rời tổ chức, họ vẫn một lòng gắn bó với sự
nghiệp của tập thể. Họ vẫn theo dõi, quan sát từng bước phát triển, trưởng
thành của tổ chức, xem đó là nguồn hạnh phúc của mình. Thậm chí, nhiều người
còn chủ động tham mưu, hiến kế, giúp đỡ thế hệ đi sau hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều
cán bộ khi nghỉ hưu hoặc luân chuyển đi nơi khác... vẫn nhận được sự quan tâm,
động viên, kính trọng của đồng nghiệp, anh em nơi cơ quan cũ. Cấp trên đương chức,
nhân viên, đồng nghiệp vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện, giữ mối
liên hệ mật thiết, sẻ chia vui buồn. Ngược lại, những kẻ đã, đang và sẽ hống
hách, rao giảng, kêu than trên mạng xã hội thì lúc đương chức tâm địa có lẽ
cũng có vấn đề...
Nói như vậy sẽ
không hẳn là đúng với mọi trường hợp, mà câu chuyện này còn chịu sự chi phối đa
chiều bởi các quy luật tâm lý-xã hội. Có nghĩa, bất cứ ai nghỉ hưu, bị thải loại,
rời xa tổ chức cũ... cũng đều ít nhiều rơi vào các biểu hiện, vấn đề của tư tưởng,
tâm lý. Con người ta sẽ không tránh khỏi những nỗi buồn khách quan và sự hẫng hụt
về mặt tinh thần khi phải bắt đầu một nếp sống mới. Nói như vậy để thấy, việc
quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng sắp nghỉ hưu, đối tượng tinh
giản... cần phải được cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiến hành thường xuyên,
liên tục. Bởi có một thực tế là, ở một số cơ quan, đơn vị hiện nay, việc tiến
hành công tác tư tưởng cho cán bộ trước và sau khi nghỉ công tác vẫn bị coi nhẹ,
ít có sự động viên, quan tâm thường xuyên.
Thế nhưng, dù các
tác động khách quan có đến mức nào đi chăng nữa thì yếu tố chủ quan vẫn giữ vai
trò quyết định. Nhiều cá nhân trước khi nghỉ hưu vẫn mưu toan giữ ghế, tham vọng
bám trụ lại tổ chức vì quyền lợi riêng nên thật khó chiến thắng được sự xung đột
tâm lý cá nhân. Và nhất là khi mưu cầu tư lợi không đạt được thì sinh ra bệnh
tư tưởng, rồi “giận cá chém thớt”, làm những chuyện trái khoáy... khiến dư luận
phải dị nghị, xem thường!
Nhiều chuyên gia
tâm lý cho rằng: Trong khi toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đang quyết liệt
thực hiện chủ trương “có lên, có xuống, có vào, có ra” thì tinh thần này phải
được thấu triệt đến mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Từng cấp ủy, tổ chức phải
đẩy mạnh giáo dục để cán bộ lúc đương chức luôn thông suốt về tư tưởng, nhận thức
rõ việc nghỉ hưu, rời tổ chức là việc đương nhiên, tất yếu. Từng cá nhân phải cố
gắng duy trì quan điểm dù đang công tác hay nghỉ công tác thì đều giữ đúng chức
phận của mình; là người đảng viên kiên định, kiên trung của Đảng. Có được tư
duy và cách nghĩ đó thì chắc chắn việc nghỉ hưu, rời tổ chức sẽ tự nó trở nên
thanh thản, nhẹ nhàng...
Còn xét dưới góc độ
tổ chức, đối với những trường hợp vừa rời tập thể đã hòa vào đám đông một cách
tiêu cực thì cần phải được cấp có thẩm quyền nhận diện, đấu tranh phê bình
nghiêm khắc; thậm chí xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để giáo dục
chung. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những trường hợp như đã nêu ở trên diễn
ra khá phổ biến, ở nhiều cơ quan, đơn vị, nhưng việc xử lý vẫn chưa triệt để,
nghiêm khắc. Có chăng chỉ là sự nhắc nhở, động viên, đối thoại, cảnh tỉnh... rồi
“đâu lại vào đấy”. Do vậy, cùng với giáo dục, thuyết phục, các cơ quan chức
năng cần có thái độ quyết liệt xử lý thực trạng này. Khi phát hiện các đối tượng
lợi dụng mạng xã hội để nói xấu Đảng, chế độ, bôi nhọ tổ chức, cơ quan, đơn vị
thì kiên quyết xử lý nghiêm minh đến cùng, đúng người, đúng mức độ vi phạm,
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ”...
Làm cán bộ, đảng
viên của Đảng thì cần phải khắc ghi và hiểu sâu sắc lời dạy quý báu của Chủ tịch
Hồ Chí Minh: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại,
có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu
mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá
nhân"./.
Theo qđnd.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét