PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN” TRONG
ĐỘI NGŨ NGƯỜI LÀM BÁO
Cả nước hiện có gần 800 cơ quan báo chí với
hơn 20.000 người
được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, số người làm báo thực tế có thể lên tới
40.000-50.000 người, trong đó có rất nhiều đảng viên.
Sở hữu lực lượng hùng hậu,
báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong tuyên truyền, triển khai, thực
hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó
có Nghị quyết Trung ương
4 (khóa XII) về “Tăng
cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn,
đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ”.
Vai trò của báo chí được xác định rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là ở nhóm giải pháp “Về chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình” và nhóm giải pháp “Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”. Ở đây, báo chí vừa là công cụ đấu tranh vừa là phương tiện giám sát nhằm phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít người làm báo không giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí tha hóa.
Đơn cử mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội) đã khởi tố 7 người để điều tra về hành vi đánh bạc, trong đó hầu hết là người làm báo, có cả một phó trưởng ban thư ký một tờ báo điện tử uy tín. Nguyên phó trưởng đại diện tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên của một tờ báo uy tín cũng mới bị thu hồi thẻ nhà báo do bị tố cáo lừa đảo...
Đáng lo ngại nữa là không ít người làm báo, dù là đảng viên nhưng bất chấp quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Báo chí; 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo (do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành)... đã có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; nói và viết trên báo một đằng, lên mạng xã hội viết một kiểu. Chưa kể những biểu hiện vụ lợi, thỏa hiệp, im lặng làm ngơ trước những thông tin thiếu chính xác, không khách quan, thậm chí là bịa đặt... không chỉ ở bên ngoài mà còn ở trong chính cơ quan, tờ báo của mình.
Hằng năm, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phải nhắc nhở hàng trăm trường hợp hội viên chưa tuân thủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn trên mạng xã hội. Hàng chục trường hợp khác bị thu hồi thẻ hội viên do vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Hiện nay, cơ sở pháp lý, hệ thống quy định, quy tắc điều chỉnh hành vi, đạo đức người làm báo tương đối hoàn chỉnh. Để tăng cường phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ người làm báo, vấn đề quan trọng là phải tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả.
Trước hết, cơ quan chủ quản và cấp ủy, tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí là chủ thể chính lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, cấp ủy cấp trên, cơ quan chủ quản cần tập trung thực hiện có hiệu quả 2 giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm phát huy cao độ vai trò của cơ quan báo chí trong đấu tranh và giám sát phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” gắn với thực hiện Kết luận số 53-KL/TƯ ngày 4-6-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội.
Ngày 22-11-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Kết luận số 23-KL/TƯ về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. 11 nhiệm vụ trong kết luận này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi cơ quan chủ quản và mỗi đơn vị báo chí cần nghiêm túc thực hiện.
Trong đó, phải xây dựng mỗi cơ quan báo chí trở thành một “pháo đài” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên cơ sở lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; có nguyên tắc làm việc, có cơ chế quản lý chặt chẽ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, văn phòng đại diện... Hệ thống chính trị trong cơ quan báo chí gồm: Cấp ủy Đảng, Ban Biên tập, công đoàn, đoàn thanh niên, chi hội nhà báo... cần được tổ chức bài bản, chặt chẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người làm báo; xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghề nghiệp ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm đối với chính tờ báo và bạn đọc của mình, với xã hội, với đất nước.
Những người làm báo luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và trách nhiệm xã hội được nhân dân tin tưởng giao phó. Người làm báo chân chính không những phải có ý thức sâu sắc để có lời nói, bài viết, hành động chuẩn mực, mà còn phải dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính bản thân và đồng nghiệp của mình. Chỉ khi tiêu biểu về “mắt sáng, lòng trong” thì mới thật sự có được “bút sắc”!
--KM
st--
Nhận xét
Đăng nhận xét