KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ “NGÀY QUỐC HẬN”
Trước những âm mưu của
các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chúng ta cần phải nhìn nhận
trên phương diện khách quan của lịch sử, tôn trọng, bảo vệ sự thật, chân lý, phản
bác những luận điệu xuyên tạc, phi lịch sử về Ngày giải phóng đất nước 30 tháng
4 năm 1975.
Các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng, nhân danh “quyền tự do ngôn luận” để
thành lập các hội, nhóm, trang thông tin nhằm đăng tải, chia sẻ các tin, bài,
video, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, nhằm chống phá, bôi nhọ quan điểm, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Một tổ chức phản động với tên gọi
“Con đường nào cho Đông Lào” xuất hiện trên ứng dụng Facebook, nhân danh là
“người đi tìm công lý” được sự tiếp sức, tài trợ của thế lực thù địch nước
ngoài. Họ đưa ra lập luận, “30-4 nên gọi là ngày gì? Nếu dùng khái niệm “giải
phóng” thì hơi bị trừu tượng. Giải phóng khỏi cái gì? Ngày 30-4-1975 không phải
là ngày thống nhất đất nước, vì vẫn còn hai nước Việt Nam”. “Từ năm 1973 -
1975, bản chất cuộc chiến không còn là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” mà thực
ra là người Việt đánh người Việt, sao gọi là giải phóng?”. Nghiêm trọng hơn, họ
bôi đen lịch sử bằng những từ ngữ cổ súy gọi tháng 4-1975 là “Tháng Tư đen” và
ngày 30-4-1975 là “Ngày quốc hận”... Những từ ngữ này được họ viết đi viết lại
nhiều lần, “bóc trần sự thật” một cách tự diễn biến, nhằm kích động hận thù dân
tộc.
Những lập luận mà
các lực lượng trên cố gắng thêu dệt ở trên chỉ nhằm mục đích hạ thấp vai trò
lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế
quốc Mỹ và tay sai. Qua đó, xoay chuyển cục diện chiến tranh từ cuộc đấu tranh
chính nghĩa thành cuộc nội chiến - một cuộc chiến tranh phi nghĩa và dẫn đến sự
chuyển hóa về tư tưởng chính trị, sai lệch về nhận thức lịch sử của dân ta, đặc
biệt là giới trẻ hiện nay trong bề dày lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc.
Tuy nhiên, dù cố tình tìm cách quét lên vết sơn lịch
sử giả hiệu để che lấp đi những khoảng trống, thì hành động man rợ khi dồn dân
vào ấp chiến lược, thi thành Luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát
người dân vô tội, rải chất độc hóa học... vẫn nằm trong kế hoạch tiến hành chiến
tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và là một thực tế lịch sử không thể xóa nhòa. Nhưng
kế hoạch ấy đã lần lượt thất bại trước những đợt tấn công dồn dập, mãnh liệt của
cuộc chiến tranh nhân dân cả 2 miền Nam - Bắc. Thắng lợi đó được ghi dấu
bằng máu và nước mắt, sự hy sinh của rất nhiều người dân Việt, những người mẹ mất
con, vợ mất chồng... Tất cả đã mở ra cho người dân đất Việt một trang sử hào
hùng, vẻ vang về thắng lợi của ngày Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nhìn về bản chất của
cuộc chiến tranh Việt Nam, về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, chúng
ta khẳng định nhất quán rằng “đất nước Việt Nam là một khối, Bắc - Nam thống nhất
không thể chia cắt”. Cho nên, ngày 30-4-1975 là ngày Giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước, thông qua đó để bác bỏ, đập tan những quan điểm sai
trái, luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch.
bài viết chất lượng, ý nghĩa, phản ánh sâu sắc về câu truyện và giá trị lịch sử hào hùng của Việt Nam.
Trả lờiXóa