“ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG KHÔNG PHẢI TỪ
TRÊN TRỜI SA XUỐNG”
Theo Bác Hồ, con người có bốn đức:
cần, kiệm, liêm, chính. Nếu thiếu một đức thì không thành người. Những tư tưởng
lớn của Bác Hồ về đạo đức, nằm trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, hàm xúc
theo phong cách rất phương Đông, gần gũi, dễ hiểu. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, được kế thừa tư tưởng
đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Có thể nói, với tư
duy độc lập và sáng tạo, Bác Hồ của chúng ta đã xuất phát từ thực tiễn Việt
Nam, thực hiện một công việc kế thừa có chọn lọc, thâu tóm những giá trị đạo đức
của quá khứ, đề xuất những tư tưởng, đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách
mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Trong Tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, đăng trên Tạp
chí học tập, số 12 năm 1958, Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên
trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng
cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”; với nỗi day
dứt, trăn trở trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc,
thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, người cách mạng phải có đạo
đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, không
làm được cách mạng. Muốn có đạo đức mạng phải rèn luyện thường xuyên, bền bỉ
trong mọi hoạt động thực tiễn; phải tỉ mỉ công phu mới có được phẩm chất đạo đức
tốt và ngày càng được bồi đắp, nâng cao.
Mặt
khác, hơn ai hết, Bác Hồ lại là người thực hiện trước tiên những điều mình đã
nói, đã viết. Bác Hồ vừa là nhà đạo đức học lớn, vừa là tấm gương đạo đức trong
sáng, tiêu biểu nhất. Ở Bác Hồ, một đặc trưng nổi bật, một nét rất riêng là
luôn có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, động cơ và hiệu quả, giữa lý luận
và thực tiễn. Bởi vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không
chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức, mà quan trọng hơn phải thông
qua chính thực tế được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của
Bác Hồ, thông qua những cử chỉ, những việc làm được coi là mẫu mực đạo đức
trong sáng mà Bác Hồ để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân loại.
Trong
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, bằng sự cố gắng học
tập, rèn luyện nghiêm túc, kiên trì, đạo đức cách mạng đã giúp cho cán bộ, đảng
viên của Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung
thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, vững vàng trong mọi thử thách, khi gặp
khó khăn gian khổ, thất bại vẫn không lùi bước; khi gặp thuận lợi thành công vẫn
giữ vững tinh thần khiêm tốn, không tự đắc, tự mãn, không kiêu ngạo, không kèn
cựa thiệt hơn; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong
thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã và đang xuất
hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí diễn biến phức
tạp. Bên cạnh đó, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống…, đang đặt ra yêu cầu cao đối với việc
tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng đối với cán bộ đảng viên và quần chúng.
Trước
yêu cầu nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc, người quân nhân cách mạng phải tu dưỡng, rèn
luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, gắn với thực
tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập và công tác hàng ngày. Quân nhân
có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu học tập, rèn luyện để trao dồi đạo
đức cách mạng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trước sự tuyên truyền, kích động
chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự tác động của mặt trái cơ chế
thị trường, những tiêu cực xã hội, sự cám dỗ vật chất trong đời sống xã hội hiện
nay, càng đòi hỏi quân nhân phải nghiêm túc, tự giác học tập, tu dưỡng rèn luyện
đạo đức suốt đời; dù đang công tác trong quân đội hay xuất ngũ hoặc chuyển lĩnh
vực công tác khác cũng phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng
phấn đấu giữ vững và phát huy hơn nữa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”./.
Nhận xét
Đăng nhận xét