Chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Chiêu trò cũ trong bối cảnh mới!
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ bởi biến chủng Delta ở Việt Nam. Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp ở nhiều địa phương, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã xuyên tạc, bóp méo chính sách phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước ta, nhằm mục đích gây hoang mang, kích động trong nhân dân, chia rẽ nhân dân với chính quyền hòng phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội, làm suy giảm hiệu quả phòng, chống dịch ở nước ta hiện nay.
Trong khi nhiều tờ báo quốc tế chính thống đã đồng loạt đưa tin và có những đánh giá khách quan về các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, bảo đảm mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa tiếp tục bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, bảo đảm an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”,... Thì, những phần tử phản động, bất mãn chế độ đã sử dụng mạng xã hội tung tin giả mạo, vu cáo và kích động người dân chống đối các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Chúng rêu rao rằng: Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồi nhân dân các cấp vừa qua đã làm bùng phát đại dịch Covid-19, làm cho con số lây nhiễm tăng nhanh, “Đảng Cộng sản Việt Nam hy sinh sức khỏe người dân để đổi lấy sự trang trí cho chế độ”,... Ngoài ra, chúng còn xoáy sâu vào những khó khăn trong thời kỳ giãn cách xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn của một bộ phận người dân, như: “Mùa dịch Covid, Đảng không giúp dân mà “ngăn sông cấm chợ” tức là giết dân”; “chỉ biết ra lệnh phong toả, cách ly rồi mặc dân sống chết ra sao”; “ai sẽ giúp người nghèo không chết đói giữa lúc phong toả”;...
Trước những luận điệu và chiêu trò của thế lực thù dịch, các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân phải luôn đề cao cảnh giác, đồng thời phải thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí tiếp tục tuyên truyền các chính sách phòng, chống dịch Covid - 19 của Đảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương và vận động người dân tích cực, chủ động thực hiện nghiêm các biện phòng, chống dịch. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phải chú trọng trước hết các nội dung sau:
Thứ nhất, khẳng định những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện như: áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+ là những biện pháp cần thiết và quan trọng để có thể dập dịch và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường; các biện pháp đó là thực sự cần thiết nhằm khống chế và dập dịch, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của mỗi người dân và của cả cộng đồng.
Thứ hai, Nhà nước đã và đang triển khai những biện pháp hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những đối tượng chính sách, có thu nhập thấp, như: gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an sinh xã hội, “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình thực hiện mục tiêu: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của nhân dân.
Thứ ba, việc thực hiện các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng phù hợp với từng địa phương, tuỳ điều kiện và tình hình cụ thể để từ đó thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, tất cả vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mục tiêu bảo đảm quyền sống của người dân được đặt lên hàng đầu, khi đó quyền tự do phát triển kinh tế, quyền tự do đi lại, quyền tự do cá nhân,... sẽ bị hạn chế nhằm bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân và cộng đồng, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chính quyền các cấp sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để người dân trở lại cuộc sống bình thường và hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện thông suốt. Như vậy, rõ ràng là việc thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp kích thích sản xuất, kinh doanh đều xuất phát từ quyền và lợi chính đáng của nhân dân. Tất cả các biện pháp được Đảng và Nhà nước triển khai phù hợp với bối cảnh đất nước vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đã khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hộ Việt Nam và thể hiện được phương châm hành động, kiến tạo phát triển của Chính phủ.
Thứ tư, những luận điệu thù địch, sai trái, kích động của các thế lực thù địch chỉ là các chiêu trò cũ kỹ, phản động, lừa bịp, vu khống,... nhằm làm cho tình hình thêm phức tạp, khó khăn trong bối cảnh đất nước đang ra sức chống dịch. Tất cả những chiêu trò của chúng không vì quyền và lợi ích của dân tộc Việt Nam, không vì sự bình yên và hưng thịnh của đất nước Việt Nam mà xuất phát từ mục tiêu ích kỷ cá nhân và những mưu đồ chính trị thâm độc.
Mục đích của các thế lực thù địch, phần từ chống đối, cơ hội là nhằm kích động chia rẽ vùng miền, làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và sâu xa hơn là âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Thậm chí, chúng còn vẽ ra kịch bản trong tưởng tượng rằng, có một “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 với cái mà chúng gọi là “đội quân Nam tiến của miền Bắc”. Chúng tự khẳng định rằng “Thành phố Hồ Chí Minh có thể tự phòng, chống dịch chứ không cần người miền Bắc vào giúp đỡ”. Từ đây, họ kích động người dân thành phố Hồ Chí Minh tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ chống dịch của những tình nguyện viên từ các địa phương khác. Không dừng lại ở đó, những kẻ bất mãn, thù địch còn cố ý gợi lại lịch sử đau thương của dân tộc trong thời kỳ bị đế quốc, thực dân chia cắt hai miền Nam-Bắc để phụ họa cho giọng điệu chống phá: “Miền Nam và miền Bắc không thể là một trong cuộc chiến chống dịch”(!). Thế nhưng, ngay cả những cái đầu hoang tưởng đến đâu cũng chẳng hình dung nổi cái “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 là gì? Ngược lại, chỉ có sự thật hiện hữu mà mọi người dân Việt Nam đều biết, đó là: Cả nước đang chung sức, đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, để không chỉ thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Trong bối cảnh này, hơn lúc nào hết, toàn thể nhân dân Việt Nam phải phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tin tưởng, ủng hộ Đảng và Chính phủ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đại dịch; đồng thời, bình tĩnh, tích cực bằng những việc làm hữu ích chung tay đồng lòng, giúp đỡ mọi người cùng vượt qua đại dịch./.
Nguồn: THINHVUONGVIETNAM.COM
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét