VẠCH TRẦN QUAN ĐIỂM NGỤY BIỆN “QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP VỀ CHÍNH TRỊ”

Trong khi quân đội một số nước ra tuyên bố “trung lập về chính trị” trước thực trạng bất ổn chính trị của đất nước họ, một số đối tượng đã phát tán các bài viết trên mạng xã hội đòi “trả quân đội về phục vụ nhân dân, không chính trị hóa quân đội”, “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc, không phải phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền”… Vậy thực chất của những “lời kêu gọi” trên là gì?
PGS.TS Phan Trọng Hào, Thư ký chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Những đòi hỏi “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc, không phải phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền”, “trả quân đội về phục vụ nhân dân”… thực chất vẫn là để thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa quân đội”. Hiến pháp 2013 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, trong đó, Điều 65 ghi rõ: “Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Và PGS.TS Phan Trọng Hào cho rằng, hiện nay trên thế giới có nhiều nước khẳng định tính trung lập về chính trị của LLVT. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận rõ, trong cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập của các nước nói trên thì việc quy định LLVT trung lập về chính trị là giải pháp bắt buộc với các nước đó. Bởi vì, ở các nước có chế độ đa đảng đối lập, cuộc đấu đá, tranh giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước giữa các đảng phái chính trị diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp. Quan điểm “LLVT phải trung lập, đứng ngoài chính trị” được các đảng phái chính trị ra sức tán dương, cổ súy. Thực chất các đảng phái muốn LLVT đứng ngoài cuộc đấu tranh tranh giành quyền kiểm soát quyền lực nhà nước. Còn trong thực tế, ở các nước thực hiện chế độ đa đảng, LLVT chỉ “trung lập chính trị” với các đảng, giữ một khoảng cách với các đảng, không nghiêng về một đảng nào. Tuy vậy, bản thân các đảng chính trị đều ra sức vận động, “mua chuộc”, tìm sự hậu thuẫn từ LLVT. Và khi một đảng giành được quyền lãnh đạo chính quyền nhà nước (thông qua bầu cử) thì đương nhiên đảng đó cũng lãnh đạo LLVT, thậm chí LLVT nhiều nước còn phải làm lễ tuyên thệ trung thành với tổng thống, thủ tướng, vốn cũng là người đứng đầu, hoặc có thực quyền chi phối đảng cầm quyền.
Ở các nước có chế độ đa đảng, lời tuyên bố LLVT chỉ trung thành với Nhà nước, về thực chất cũng là trung thành với đảng cầm quyền, khi đảng đó đã chiến thắng qua bầu cử. Hơn nữa, những đảng đối lập trong các nước có chế độ đa đảng này thực chất chỉ là đối lập về hình thức bề ngoài. Bởi vì, về căn bản các đảng này - ngoại trừ các đảng cộng sản và công nhân - vẫn chung nền tảng ý thức hệ, đa đảng đối lập, nhưng nguyên tắc cơ bản của tổ chức đảng, mục đích hoạt động, và về bản chất vẫn là các đảng của giai cấp tư sản. Các đảng này chỉ khác nhau ở những điểm chi tiết, không cơ bản về những mục tiêu cụ thể, phương cách cụ thể để đạt mục đích chung. Do đó, dù hiến định hay không hiến định vấn đề LLVT trong Hiến pháp ở các nước, thì cũng không có nghĩa LLVT của các nước đó trung lập, đứng ngoài chính trị như các đảng phái chính trị thường tuyên truyền.
Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ - chuyên viên cao cấp Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng), trong các công trình nghiên cứu của mình đã nhấn mạnh: Nguyên lý “chiến tranh là kế tục của chính trị” không phải do những người cộng sản đặt ra, mà do nhà lý luận quân sự người Phổ Clausewitz khái quát thành quy luật. Vì vậy, thực tiễn lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận một quân đội nào đứng ngoài chính trị.
Nhiều nhà khoa học trong quân đội đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu để có những câu trả lời xác đáng về cái gọi là “lời kêu gọi quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc”. Các công trình trên chỉ rõ, thực chất của những kêu gọi đó vẫn là âm mưu diễn biến hòa bình, hòng thực hiện “phi chính trị hóa LLVT”, mục đích làm thay đổi bản chất, chức năng, nhiệm vụ của LLVT. Đây chính là âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, từng bước vô hiệu hóa LLVT, tiến tới thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lật đổ thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn này nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực chống phá chủ nghĩa xã hội.
Các thế lực thù địch ra sức truyền bá quan điểm “quân đội trung lập”, nhằm lôi kéo quân đội xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tách LLVT ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; làm cho LLVT bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa; làm cho Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lời kêu gọi “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc” đưa ra không chỉ do phương pháp nhận thức mang tính tư biện, suy diễn một cách chủ quan, phiến diện, mà còn xuất phát từ những toan tính cơ hội, thực dụng, ngộ nhận mình là “người có tài, am hiểu thời thế”. Sự kiện Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013 với tỷ lệ gần như tuyệt đối, khẳng định nhân dân ta không chấp nhận quan điểm lập lờ, mị dân đó, bởi đó sẽ là nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của LLVT, dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần nhận được câu hỏi của các tướng lĩnh và giới nghiên cứu quân sự thế giới: “Vì sao Quân đội nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay lại đánh thắng hai đế quốc to trong những cuộc chiến tranh không cân sức?”. Đại tướng đã khẳng định: “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn vào chiều dày lịch sử dân tộc và đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta là nhằm thực hiện thắng lợi mục đích của Đảng nêu ra trong Điều lệ Đảng: “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bản chất cách mạng luôn thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của Quân đội và nguyện vọng chính đáng trên nền tảng nhận thức khoa học đã được thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm của nhân dân Việt Nam.
Để vạch trần quan điểm ngụy biện “quân đội trung lập về chính trị”, cần quán triệt thực hiện nghiêm túc một số yêu cầu cơ bản sau:
1. Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chúng, đặc biệt luận điệu ngụy biện “quân đội trung lập về chính trị”, đòi “phi chính trị hóa quân đội”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Quân đội phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không được phép lơ là, không để bị bất ngờ, phải chủ động trong mọi tình huống.   
2. Phải thường xuyên coi trọng giáo dục, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho quân đội; bảo đảm sự thống nhất cao về mục tiêu lý tưởng chiến đấu, trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Kiên quyết đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện xa rời mục tiêu lý tưởng chiến đấu, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; coi nhẹ vấn đề giáo dục, trau dồi bản chất giai cấp công nhân của Quân đội. 
 3. Cùng với việc củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Quân đội, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Quân đội phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội phải hướng vào khơi dậy và phát huy được ý chí, tư tưởng và hành động của quân nhân vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.   
4. Phải coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng và ý thức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho mọi quân nhân và tập thể quân nhân; phải tạo ra được sự “miễn dịch” tối đa với mọi tác động tiêu cực xã hội dù là từ mặt trái của nền kinh tế thị trường hay từ chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và sự tiến công chính trị tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động khác.
Tóm lại, quan điểm ngụy biện “quân đội trung lập về chính trị” là một chiêu trò ảo thuật, một âm mưu hết sức nguy hiểm, thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xét về nội dung tuy không mới, nhưng về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì có sự thay đổi, điều chỉnh so với trước. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tích cực và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng; tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
                                                                   Lucluong113

Nhận xét

  1. Quan điểm ngụy biện “QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP VỀ CHÍNH TRỊ” là một thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm. Và âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch chính là một nội dung của chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam.Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN, phải tạo ra sự "miễn dịch" cần thiết, tăng sức "đề kháng" để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các luận điệu "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch./.

    Trả lờiXóa
  2. Các thế lực thù địch muốn tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng để dễ bề chống phá mà thôi

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975