CẦN
QUYẾT LIỆT HƠN TRONG VIỆC NGĂN CHẶN SẢN PHẨM
CÓ
HÌNH ẢNH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” PHI PHÁP
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các ấn phẩm
văn hóa, giáo dục, thương mại... bị phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò”, vi
phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của
Việt Nam.
Len lỏi tinh vi
“Đường lưỡi bò” phi pháp đã được cài cắm, len lỏi
trong nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, công nghệ, du lịch cũng như giáo dục,
văn hóa trên thị trường Việt Nam.
Trong tháng 10/2019, bộ phim “Everest - Người tuyết
bé nhỏ” được yêu cầu ngừng chiếu vì xuất hiện bản đồ có "đường lưỡi
bò".
Bản đồ “đường lưỡi bò” cũng xuất hiện trong tài liệu
của hãng lữ hành Saigontourist ngày 18/10. Tiếp đó, hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc
- Viết và Nghe sơ cấp trong bộ “Developing Chinese” của trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội phải thu hồi vì có bản đồ “đường lưỡi bò”.
Đặc biệt, ngày 4/11, xe ôtô Volkswagen triển lãm tại
TP Hồ Chí Minh đã bị phát hiện có cài đặt phần mềm dẫn đường sử dụng bản đồ “đường
lưỡi bò”.
Ngày 6/11, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng
Đình Vũ, Cục Hải quan Hải Phòng cũng phát hiện 7 chiếc ô tô nhập khẩu từ Trung
Quốc có cài phần mềm định vị chứa bản đồ có hình ảnh giống “đường lưỡi bò”
Đến ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát đi cảnh
báo cho biết, thị trường khu vực miền Nam vừa xuất hiện loại thiết bị biến đổi
điện mặt trời (Inverter) xuất xứ nước ngoài có ứng dụng phần mềm để theo dõi vận
hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Mới đây nhất, ngày 18/11, đoàn kiểm tra liên ngành
do Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm trưởng đoàn đã phát hiện và tịch thu 10 hộp
đồ chơi lắp ghép hình bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” trên vỏ hộp và trong
hình lắp ghép. Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cũng phát hiện và tịch
thu nhiều bản đồ có hình “đường lưỡi bò” được đăng bán trên các trang thương mại
điện tử...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý
thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi có các thông tin phản ánh của
doanh nghiệp, người dân và báo chí về một số trường hợp doanh nghiệp, đơn vị
kinh doanh nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán, tham gia trưng bày, giới thiệu…
có hình ảnh và thông tin về “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Tổng
cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm các sản
phẩm có bản đồ in đường lưỡi bò phi pháp lưu thông trên thị trường.
“Tuy nhiên, nhiều thông tin, hình ảnh vi phạm không
thể hiện ra bên ngoài mà được đưa vào các phần mềm, chương trình cài đặt trong
các thiết bị, hàng hóa công nghệ nên nếu không qua sử dụng hoặc kiểm tra kỹ thì
không phát hiện được. Hơn nữa, việc kiểm tra mỗi sản phẩm, thiết bị công nghệ
còn đòi hỏi quy trình kỹ thuật khác nhau. Những vấn đề này, lực lượng quản lý
thị trường còn gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường”,
ông Trần Hữu Linh cho biết.
Ngăn chặn từ gốc
Ông Trần Hữu Linh còn cho biết, về chế tài xử lý vi
phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia thì đã có cả xử lý hành chính và xử lý
hình sự. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả,
hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi theo Nghị định
124/2015/NĐ-CP mức phạt thấp nhất là 400.000 đồng và cao nhất là 40 triệu đồng
đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên. “Mức
phạt này chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, đối với trị giá hàng hóa vi phạm từ
100 triệu đồng trở lên hoặc các dấu hiệu nghiêm trọng khác lại chưa được quy định
cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thời gian tới, để ngăn chặn các sản phẩm có “đường
lưỡi bò” len lỏi vào Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ mở rộng, đa dạng hóa và phổ biến
các kênh tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng, người dân, doanh nghiệp, báo
chí. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị
trường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm. Đồng thời tăng
cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ
thuật để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả ngay từ các nguồn đầu vào của các sản
phẩm.
“Chúng tôi cũng đề xuất có cơ quan đầu mối để điều
phối sự tham gia của các lực lượng chức năng như hải quan, công an, quản lý thị
trường, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm soát, ngăn chặn các sản
phẩm vi phạm thâm nhập và lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ
tham mưu, đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài để xử lý
nghiêm, triệt để, có tính răn đe hiệu quả đối với các loại hình vi phạm này”,
ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Là đơn vị có nhiệm vụ “gác cổng” biên giới, ông Âu
Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan cho
biết, cơ quan hải quan đã chỉ đạo hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc
kiểm tra 100% các lô hàng ô tô nhập khẩu có khả năng vi phạm pháp luật, phản
ánh không đúng sự thật về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ Việt Nam. Trong quá
trình kiểm tra giám sát hải quan, nếu phát hiện các hàng hoá có hình ảnh vi phạm
chủ quyền quốc gia thì sẽ lập biên bản vi phạm, xử lý nghiêm. Quan điểm của cơ
quan hải quan là xử lý thật nghiêm ở mức cao nhất theo quy định pháp luật đối với
các trường hợp vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, việc
các sản phẩm có “đường lưỡi bò” đang luồn lách vào Việt Nam cho thấy cơ chế kiểm
soát lỏng lẻo trong khâu nhập khẩu, sản xuất và tuồn ra thị trường. Từ đó, đặt
ra yêu cầu cần có một giải pháp căn cơ ngăn chặn các sản phẩm có “đường lưỡi
bò” không vào được biên giới, thay vì bán ra thị trường rồi mới tịch thu, xử phạt
như hiện nay. Đồng thời, cần có biện pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn ngoài tịch
thu hàng hóa, tiêu hủy thì nếu đơn vị nào tái phạm sẽ bị ngưng hoạt động. Thậm
chí tùy theo số lượng hàng hóa nếu phát tán trên diện rộng có thể phải truy cứu
trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp
ngăn chặn kịp thời hàng hóa có “đường lưỡi bò” vào Việt Nam, cũng cần phải tăng
cường tuyên truyền để người dân ý thức rõ sự sai trái của bản đồ in “đường lưỡi
bò” để bất cứ ai khi thấy sản phẩm có “đường lưỡi bò” phi pháp sẽ tẩy chay,
không sử dụng và báo cơ quan chức năng xử lý./.
Chúng ta không chấp nhận sự tồn tại dưới bất cứ hình thức nào hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thế giới. Những người được giao trọng trách "gác cổng" an ninh văn hóa nói riêng, an ninh đất nước nói chung phải hết sức cảnh giác không để rơi vào "cạm bẫy" bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo hợp pháp của đất nước trong bối cảnh họ không từ mọi thủ đoạn tinh vi cài cắm đường lưỡi bò theo cách mưa dầm thấm đất nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông./.
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi hoàn toàn ủng hộ
XóaTrung Quốc luôn có những quảng bá phi pháp về đường lưỡi bò trên các loại hàng hóa... để thực hiện từng bước độc chiếm biển đông; vì vậy chúng ta phải ngăn chặn không để hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện
Trả lờiXóaTrung Quốc không thể cho mình quyền vẽ bản đồ chồng lấn lên bản đồ của Việt Nam được; Việt Nam kiên quyết phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra
Trả lờiXóa