Để Đảng trong sạch cần phải làm gì?
Tiến hành xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, rà soát, sàng lọc và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện cao độ tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng ta hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật là “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đặt ra nhiều vấn đề đối với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng ta hiện nay nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ:
Nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiến hành chặt chẽ, cẩn trọng việc thẩm tra lý lịch và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức chính trị-xã hội đối với người được xem xét kết nạp vào Đảng. Chú trọng việc kết nạp đảng viên ở cơ sở trọng điểm còn ít đảng viên hoặc chưa có đảng viên. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc đảng viên. Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền của đảng viên, tính tiên phong, gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng. Kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện sai trái trong công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.
Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Đa dạng hóa các nội dung giáo dục, rèn luyện đảng viên, trong đó tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, học tập nghị quyết; chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh; tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường công tác quản lý đảng viên toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; các quan hệ xã hội; về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên internet, mạng xã hội; quản lý chặt chẽ đảng viên ở ngoài nước và đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”. Quan tâm, tạo điều kiện và phát huy tính tích cực, tự giác của đội ngũ đảng viên trong tự học, tự rèn luyện, tự quản lý.
Đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Thường xuyên giáo dục cho đội ngũ đảng viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của tự phê bình và phê bình; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức tiến hành tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần có động cơ trong sáng, thái độ chân thành, không nể nang, né tránh, bao che khuyết điểm; không lợi dụng tự phê bình và phê bình để nói xấu, gây mất đoàn kết, hạ uy tín của các cá nhân, tổ chức. Mặt khác, cần có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cần có quy định cụ thể đối với cá nhân, tổ chức có khuyết điểm, bị phê bình phải kiên quyết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm không để kéo dài; các cá nhân, tổ chức khi được phê bình cần tôn trọng và tiếp thu những đóng góp để đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa cho phù hợp. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng. Nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thực hiện “trên trước, dưới sau”, làm “từ trong ra, từ ngoài vào”. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình khuyết điểm; thiếu trách nhiệm cả trong phê bình và tự phê bình; chống mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cục bộ bè phái, mất đoàn kết trong thực hiện tự phê bình và phê bình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt, thực hiện tốt Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên, nâng cao năng lực dự báo các tình huống, các vấn đề phức tạp, nổi cộm có thể nảy sinh trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Thực hiện chặt chẽ nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; tăng cường công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, kiểm tra đảng đột xuất đối với các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Kịp thời củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có đủ phẩm chất, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và có dũng khí đấu tranh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn, thư tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định; không để xảy ra tình trạng đơn, thư kéo dài hoặc lợi dụng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để gây mất đoàn kết, chia rẽ trong các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về nhiệm vụ “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sạch, lành mạnh; luôn năng động, sáng tạo, đi đầu trong các hoạt động, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; đồng thời luôn vững vàng trước những cám dỗ của lợi ích vật chất. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tiếp tục cụ thể hóa nội dung đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; hoặc lợi dụng công tác xây dựng Đảng để đưa ra khỏi Đảng những người không cùng phe cánh, những người mình không ưa thích, hoặc dám đấu tranh phê bình mình.
Cần kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Trả lờiXóa