CẨN TRỌNG VỚI CHIÊU BÀI THÚC ĐẨY “XÃ HỘI DÂN SỰ” Ở VIỆT NAM

 Xã hội dân sự đúng nghĩa là một bước tiến quan trọng của xã hội loài người trong tiến trình hướng tới một xã hội phi nhà nước. Tuy nhiên, một số tổ chức đã mượn danh “xã hội dân sự” nhằm làm phức tạp tình hình chính trị - xã hội, hướng đến mục tiêu thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam như đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác, nhận diện đúng và vạch trần thủ đoạn chống phá nguy hiểm này.

Xét về bản chất, xã hội dân sự (Civil Society) là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành, hoạt động trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Không thể phủ nhận xã hội dân sự là một bước tiến của loài người trong tổ chức cộng đồng, bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế nhà nước ngày càng hợp lý (nhà nước chuyển từ cai trị sang phục vụ, nhà nước của dân, do dân, vì dân,…) thì xã hội cũng hình thành một loạt các thiết chế xã hội đa dạng, phong phú. “Điều này phù hợp với xu thế: nhà nước sẽ nhỏ đi và xã hội sẽ lớn lên, được C. Mác đề cập trong lý luận về chủ nghĩa xã hội”. Theo đó, chặng đường tiến bộ đáng kể của nhân loại biểu hiện ở vai trò tự quản trong cộng đồng ngày càng mạnh lên. Vai trò tự quản ấy chính là nằm ở các tổ chức xã hội với các thiết chế riêng bên cạnh thiết chế nhà nước, đó là các bộ phận hợp thành của xã hội dân sự.

“Giá trị đáng ghi nhận của xã hội dân sự là những phát kiến, kiến nghị, đề xuất có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với quan điểm, đường lối của đảng cầm quyền. Theo C. Mác: “chủ quyền của nhân dân phải trở thành vấn đề trung tâm trong một xã hội dân sự đích thực, làm cơ sở cho một chế độ dân chủ và một nhà nước dân chủ chân chính”. Đây là tư tưởng cách mạng sâu sắc, có tính định hướng cho việc nhìn nhận, đánh giá và xác định tính đúng đắn của một tổ chức được coi là xã hội dân sự đích thực hay giả danh để chống phá chính quyền nhân dân.

Hiện nay, xu hướng mang tính phổ biến trong quá trình phát triển của nhiều quốc gia là mối quan hệ hữu cơ giữa kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Theo đó, xã hội dân sự được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, coi đó là một nhân tố của xã hội hiện đại, một tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của chế độ xã hội ở một quốc gia. Nhiều văn kiện của các tổ chức quốc tế và khu vực đã có các quy định về quyền con người, về xã hội dân sự, tổ chức “xã hội dân sự”. Nhiều tổ chức “xã hội dân sự” đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm thực thi dân chủ, nhân quyền; góp phần tích cực vào thúc đẩy dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế,...

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là thành quả cách mạng được thể chế hóa và phát huy trên thực tế. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là sự kế thừa, phát triển những giá trị quyền con người, quyền công dân của nhân loại trong thời đại mới. Trong các bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) đều thể hiện rõ bản chất của chế độ ta là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; là chế độ dân chủ do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp luật Việt Nam đã quy định các điều kiện cụ thể để thành lập, hoạt động của tổ chức xã hội dân sự. Trên thực tế, bên cạnh các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng, nhiều hội, tổ chức phi chính phủ đã và đang được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hoạt động công khai, hợp pháp, mang lại những lợi ích đáng kể cho xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn các hội, tổ chức quần chúng tự phát thành lập, không có tư cách pháp nhân, mang tính hình thức, chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, hoạt động tùy tiện, kém hiệu quả, không phát huy được vai trò đại diện cho lợi ích của hội viên; cá biệt còn một số tổ chức có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, gây phương hại đến an ninh quốc gia, buộc các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh, xử lý. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đó là sự đơm đặt vô căn cứ, mang nặng tính thù địch./.

 

Nhận xét

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI THẮNG 30/4/1975