Hình thành ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN cho thanh niên Việt Nam
Việc trang bị cho thanh niên ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải “sàng lọc”, “gạn đục khơi trong” và bổ sung những giá trị mới ở Việt Nam, nhằm tạo nên tư duy, hành động đúng quỹ đạo, sống lý tưởng cách mạng, đúng con đường phát triển của đất nước...
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định trụ cột phát triển đất nước gồm: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Để phát triển kinh tế - xã hội thực sự trở thành trung tâm, trước hết phải xây dựng, hình thành cho nhân dân, nhất là thế hệ thanh niên hiểu, biết, thực hành và thích ứng với nền kinh tế thị trường song hành với mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) - ý thức hệ kinh tế thị trường XHCN.
Theo các nghiên cứu về chính trị học, xã hội học và tâm lý học thì ý thức hệ là các ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin chung. Thông qua ý thức hệ, các thành viên trong nhóm người, cộng đồng người hoặc toàn xã hội diễn dịch lịch sử và những sự kiện xã hội đương thời định hình thành các kỳ vọng, khát khao hướng tới tương lai, có ảnh hưởng lớn đến hành động xã hội.
Theo Từ điển chủ nghĩa cộng sản khoa học thì ý thức XHCN là tổng hòa các hình thái ý thức xã hội khác nhau đặc trưng cho đời sống tinh thần của xã hội XHCN trong quá trình nảy sinh, hình thành và phát triển của xã hội ấy. Ý thức XHCN chứa đựng không những các quan điểm và tư tưởng lý luận đã được hệ thống hóa của giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản, mà còn chứa đựng những quan điểm và các khái niệm của quần chúng, những tình cảm và tâm tư của họ nẩy sinh trong cuộc sống hàng ngày, tức là tâm lý xã hội(1).
Như vậy, ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin chung nhất về quan điểm, tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, được biểu hiện thông qua nhận thức, tư duy và hành động của con người; là quan niệm, khái niệm, tâm tư, tình cảm của người Việt Nam ở hiện tại kết hợp với những tàn dư lịch sử làm điều kiện nẩy sinh những khát khao, kỳ vọng và mục tiêu hướng tới tương lai. Chính vì vậy, khi xem xét ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là xem xét những nét chung nhất trong nhận thức, tư duy và hành động của con người Việt Nam cùng chịu tác động các điều kiện tự nhiên và xã hội; xem xét các yếu tố lịch sử còn tàn dư trong ý thức chung và những tác động làm ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức và hành động ở hiện tại.
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, một mặt, cần tiếp tục phát huy, cải tạo nhận thức, tư duy về kinh tế cho thanh niên, mặt khác, cần tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên hình thành ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tính kế thừa, tính mới và bản chất con đường đi lên XHCN ở Việt Nam. Thanh niên ngày nay đã và đang kế thừa cách tư duy, suy luận, cách làm và ứng xử của nhiều mô hình kinh tế trước đây để lại như: kinh tế tự cung, tự cấp; kinh tế kế hoạch hóa tập trung; kinh tế hàng hóa; kinh tế tri thức;… Mỗi mô hình kinh tế đều có những giá trị nhất định trong từng giai đoạn cụ thể, đều để lại những dấu ấn không thể nào phai nhạt cho xã hội cũng như cho từng người dân.
Điểm nổi bật nhất trong ý thức người Việt thời kỳ phong kiến là ý thức dựng nước và giữ nước - hai "thao tác" cơ bản và xuyên suốt của lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của người dân. Người Việt lấy đất nước làm điểm quy chiếu cho mọi giá trị sống, họ coi Tổ quốc là giá trị cơ bản, là cơ sở để tích hợp, tiếp biến và tái cấu trúc hóa toàn bộ những giá trị từ bên ngoài đưa vào. Đặc trưng này trong ý thức của người Việt được biểu hiện cụ thể và sinh động thành ý thức hệ về liên minh, đoàn kết, tạo dựng sức mạnh dân tộc; củng cố, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền quốc gia; dựa vào dân, thân dân, khoan dân, lấy dân làm gốc, coi nhân dân là lực lượng quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những giá trị truyền thống được con người Việt Nam được vun đắp, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, rèn luyện và phát triển thành những lớp người có lý tưởng cách mạng, vững vàng, ý thức rõ về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH); có đạo đức trong sáng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng; biết tập hợp và tổ chức quần chúng tham gia lao động sản xuất, chiến đấu và học tập một cách có hiệu quả. Chính ý thức hệ chung đó đã thôi thúc con người Việt Nam chiến đấu, lao động, công tác, học tập một cách tự giác, hăng hái, say mê.
Trong bối cảnh hội nhập và xu thế quốc tế hóa đang diễn ra mạnh mẽ, phức tạp, khó lường, cùng với việc Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, sau nhưng sai lầm và khủng hoảng của nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - nhân tố khách quan cần thiết tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, phẩm chất, đạo đức, lối sống của thế hệ thanh niên hiện nay.
Vì vậy, thanh niên phải được củng cố, nâng cao hiểu biết sâu sắc quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường đi lên CNXH; về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; về dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; về ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; về bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Có như vậy, thanh niên mới phát huy được những giá trị cốt lõi của dân tộc; giữ vững được định hướng xây dựng đất nước XHCN phồn vinh, hạnh phúc; hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Đây là nền tảng, điểm tựa hình thành tư tưởng cho lớp thanh niên ngày nay.
Mỗi thanh niên Việt Nam khắc ghi đặc trưng cơ bản về xây dựng xã hội mới XHCN của chủ nghĩa Mác - Lênin gồm: giải phóng con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển toàn diện; lực lượng sản xuất phát triển, chế độ công hữu từng bước được xác lập, tổ chức quản lý hiệu quả, năng suất lao động cao, phân phối theo lao động; chế độ dân chủ tiến bộ, nhà nước dân chủ mang bản chất giai cấp công nhân, với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động; xã hội công bằng, bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc;…
Trong ý thức của thanh niên ngày nay, tư tưởng xây dựng xã hội tương lai của chủ nghĩa Mác - Lênin đang bị kìm hãm bởi tâm lý, tình cảm, đạo đực, lối sống đặc thù của người Việt trong lịch sử đã được hun đúc do những yếu tố khách quan: vi trí địa lý, khí hậu, tộc người, môi trường văn hóa và trong nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ có tính tự cung, tự cấp, sản xuất lạc hậu, manh mún, thủ công,... hình thành lên những kiểu: tư duy kinh nghiệm; tâm lý an phận, thụ động, trông chờ, ít sáng tạo và tâm lý tư hữu; tâm lý bình quân, cục bộ địa phương; và tâm lý trọng tình cảm.
Cơ chế thị trường cũng tạo cho thanh niên tính cách mạnh mẽ, năng động, tháo vát; làm thay đổi tác phong, tính cách, lối sống; thay đổi thói quen an phận thủ thường, thói quen bằng lòng với cái nghèo; biết phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; biết mở rộng quan hệ, giao lưu với bạn bè quốc tế; biết thỏa mãn những nhu cầu đa dạng, phong phú; biết vươn lên làm giầu bằng trí tuệ và năng lực của mình; biết tự hào với thành quả của cá nhân, tập thể, đất nước. Vì thế, định hướng giá trị xã hội có nhiều thay đổi, văn hóa truyền thống coi trọng giá trị tinh thần, đề cao đạo đức lễ nghĩa, xem nhẹ giá trị vật chất được bổ sung thành không chỉ coi trọng giá trị tinh thần, đạo đức mà còn đề cao giá trị vật chất, nhu cầu hưởng thụ và lợi ích trong sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt vật chất đều gia tăng.Kiểu tư duy kinh nghiệm, tâm lý thụ động của người Việt trong truyền thống đang đối lập và kéo chậm những yếu tố của kinh tế thị trường tác động đến sự hình thành ý thức hệ cho thanh niên, đó là: duy lý, biết tính toán, biết lựa chọn những giải pháp tối ưu nhằm thu lợi tối đa; biết đòi hỏi và làm phát triển phương diện trí tuệ, lý trí; có nhiều cơ hội đua tài, phát huy sáng kiến, sáng tạo; năng lực có nhiều điều kiện được bộc lộ và được trân trọng... Cơ chế thị trường cũng tạo động lực cho thanh niên hình thành ý thức về cạnh tranh chất lượng hàng hóa, mẫu mã, giá cả… đòi hỏi thanh niên phải sử dụng trí tuệ trong sản xuất kinh doanh, phải biết tư duy sáng tạo, tôn trọng tri thức khoa học và công nghệ; phải có óc thẩm mỹ, quan tâm đến hiệu quả, sản phẩm kinh tế tạo được. Đồng thời, cạnh tranh trong kinh tế thị trường với tính cách là quy luật đã tác động, đòi hỏi năng lực toàn diện của mỗi thanh niên phải kích hoạt, bộc lộ và tự phát triển; là động lực mạnh mẽ hình thành ý chí, khát khao, nguyện vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.
Như vậy, làm thế nào để hài hòa 2 luồng ý thức hệ đó? Trang bị cho thanh niên nâng cao nhận thức, tư duy và hành động về đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi của dân tộc, nhất là tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; về môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ; về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Ý thức hệ về kinh tế của thanh niên ngày nay đang bị pha trộn giữa ý thức hệ của thời kỳ phong kiến với ý thức hệ thời kỳ Việt Nam xây dựng chế độ kinh tế thành phần duy nhất - thành phần kinh tế XHCN dưới hình thức sở hữu toàn dân và tập thể không có sản xuất hàng hóa, một nền kinh tế phi kinh tế, mang nội dung chính trị hơn là kinh tế. Cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp là cội nguồn quan trọng nhất tác động mạnh mẽ đến tính chủ động, sáng tạo của thanh niên; là yếu tố không khai thác hết tiềm năng sức người, sức của; là khởi nguồn nuôi dưỡng tính thụ động, ỷ lại; kích thích tệ quan liêu, đặc quyền đặc lợi… Mặt khác, khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới đất nước, nhất là khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tác động làm suy yếu quan niệm về mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng và xã hội; làm biến dạng tình cảm xã hội dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức; làm xói mòn, xa rời, xem nhẹ giá trị truyền thống dân tộc; tạo tâm lý sùng ngoại, hướng ngoại và tệ sùng bái đồng tiền… ở đại bộ phận thanh niên ngày nay.
Hướng thanh niên nhận thức sâu sắc tính ưu việt của CNXH, chủ nghĩa cộng sản trong việc xóa bỏ mọi bóc lột, áp bức, bất công do quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo. Xóa bỏ chế độ sở hữu không phải là phủ định sách trơn chủ nghĩa tư bản, mà chỉ xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản... vì đây là hình thức chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia. Xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản không phải là xóa bỏ sở hữu của cá nhân đối với kết quả lao động của cá nhân, là cái có được một cách lương thiện do lao động của bản thân họ làm ra và là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và sự độc lập của cá nhân.
Trong giai đoạn hiện nay cần khơi dậy khát khao, kỳ vọng và mục tiêu hướng tới tương lai cho thế hệ thanh niên; nuôi dưỡng hoài bão, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Tóm lại, trong điều kiện hiện nay, sự đan xen, trộn lẫn ý thức hệ trong lịch sử với ý thức hệ của xã hội đương thời đã tạo ra không ít những tác động không có lợi đến sự phát triển của xã hội nếu không có định hướng cụ thể. Vì vậy, việc trang bị cho thanh niên ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi phải “sàng lọc”, “gạn đục khơi trong” và bổ sung những giá trị mới ở Việt Nam; điều hòa những tác động tích cực với tiêu cực nhằm tạo tác tư duy, hành động cho thanh niên đúng quỹ đạo, sống lý tưởng cách mạng, đúng con đường phát triển của đất nước; tạo tác cho thanh niên ý thức hệ phù hợp, thích nghi tốt với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới./.
Nhận xét
Đăng nhận xét